Kế hoạch năng suất tổng thể

Trong thập kỷ vừa qua, nâng cao năng suất đã có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế tại Việt Nam. Nhiều hoạt động và chương trình năng suất đã được triển khai, từ gây dựng phong trào, đến việc xây dựng các chương trình năng suất quốc gia và các xây dựng các nghị quyết liên quan đến thúc đẩy năng suất tại Việt Nam. Đặc biệt từ khi Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” theo Quyết định số 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được triển khai thì vai trò của năng suất chất lượng trong các doanh nghiệp càng được khẳng định.

Từ khi các chương trình năng suất được triển khai, tiếp theo đó là các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước lấy năng suất làm trọng tâm phát triển kinh tế, như Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, thì chủ đề năng suất càng được quan tâm ở các cấp.

Gần đây nhất, Nghị quyết số 01/NQ-CP ban hành ngày 01 tháng 01 năm 2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 cũng nêu bật một trong sáu trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đó là “2.Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô;kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.” Đặc biệt, nội dung về một số nhiệm vụ giao cho các ngành, lĩnh vực năm 2020 đã chỉ rõ Bộ Khoa học và Công nghệ được giao chủ trì theo dõi và đánh giá nhiệm vụ “Xây dựng Kế hoạch tổng thể quốc gia về năng suất hướng đến phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo”.

Việt Nam sắp bước sang một thập kỷ mới, thập kỷ 2020 – 2030, cùng với khát vọng xây dựng một đất nước công nghiệp, hiện đại. Trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, mang đến cho Việt Nam rất nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức trong nỗ lực tạo ra chuyển biến rõ rệt về năng suất.

Những năm gần đây, tốc độ tăng năng suất đã có xu hướng chậm lại và phụ thuộc nhiều vào việc sử dụng các nguồn lực tốt hơn để tăng hiệu quả. Liệu tăng trưởng kinh tế đáng kể có tiếp tục được duy trì nữa hay không là câu hỏi lớn không chỉ đối với Việt nam mà còn đối với nhiều quốc gia khác nữa.

Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới nói chung và ở châu Á nói riêng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Malaysia đã dành sự quan tâm và đầu tư lớn vào vấn đề năng suất quốc gia thông qua xây dựng và phát triển Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất quốc gia phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh của đất nước.

Được sự hỗ trợ của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), nhiều quốc gia thành viên như Srilanka, Fiji và Campuchia đã hoàn thành xây dựng Kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia có tính toàn diện để thúc đẩy tăng năng suất trong giai đoạn sắp tới. Trong đó, kế hoạch tổng thể đã chỉ rõ mục tiêu và những nhiệm vụ trọng tâm mỗi quốc gia cần đạt được trong ngắn hạn và dài hạn.

Do vậy, để đạt được các mục tiêu như trong các văn bản quy phạm đã đặt ra; đồng thời thu hẹp khoảng cách về năng suất với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới, cũng như thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam đã đến lúc cần xây dựng một Kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia, trong đó, nền tảng đổi mới sáng tạo là động lực chính để tạo ra sự bứt phá về tăng năng suất và tăng trưởng bền vững tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

a)Mục tiêuchung
Xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất quốc gia: Hướng tới phát triển dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ Việt Nam tăng cường phát triển kinh tế bền vững thông qua mô hình tăng trưởng dựa vào tăng năng suất.

b) Mục tiêu cụ thể

  • Xác định các yếu tố tác động đến năng suất quốc gia;
  • Cải thiện năng suất tổng thể và năng lực cạnh tranh quốc gia;
  • Cải thiện năng lực để tận dụng và duy trì năng suất và năng lực cạnh tranh thông qua việc lồng ghépchính sách năng suất vào kế hoạch phát triển quốc gia;
  • Nâng cao năng suấtvà năng lực cạnh tranh một số ngành chủ lực;
  • Tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia (NIS) để cải thiện năng suất;
  • Liên kết kế hoạch nâng cao năng suất quốc gia với chương trình nghị sự phát triển dài hạn của quốc gia.

c) Nội dung chính

Nội dung 1: Phân tích và đánh giá những thành tựu Việt Nam đã đạt được trên các mặt: tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, đa dạng xuất khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển xã hội và mối quan hệ của những yếu tố này với cải thiện năng suất tổng thể.

Nội dung 2: Phân tích và đánh giá thực trạng năng suất của Việt Nam, gồm các chỉ tiêu năng suất lao động và tốc độ tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP). So sánh quốc tế về kết quả năng suấtđể xác định khoảng cách giữa Việt Nam với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới và xác định các cơ hội phát triển.

Nội dung 3: Xác định và đánh giá, phân tích các điểm nghẽn và vấn đề nút thắt ảnh hưởng đến nâng cao năng suất quốc gia.

Nội dung 4: Phỏng vấn các Bộ, ban ngành, doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan về thực trạng năng suất của Việt Nam, và về sự kết nối giữa vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tới tăng năng suất.

Nội dung 5: Đề xuất và khuyến nghị các nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện năng suất quốc gia trong ngắn hạn và dài hạn.

Nội dung 6: Tổ chức Hội thảo công bố Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất quốc gia dựa trên nền tàng đổi mới sáng tạo.