Năng suất xanh tại ấp Nhơn Lộc I, xã Nhơn Ái, tỉnh Cần Thơ

Sơ lược về địa phương

ấp Nhơn lộc 1 nằm dọc theo hương lộ 4 và sông Cần thơ, cách trung tâm thành phố Cần thơ khoảng 15 km. Từ thành phố Cần thơ đến ấp có thể có hai đường tới: đường bộ theo quốc lộ 1A đến cầu Cái răng rồi rẽ vào hương lộ 4; đường thuỷ xuống đò tại bến Ninh kiều, đi dọc theo sông Cần thơ về hướng Phong điền.

  • Diện tích đất tự nhiên: 164,38 ha, trong đó diện tích đất vườn là: 156,38 ha;
  • Dân số: 1037 người/213 hộ;
  • Thu nhập bình quân: 3,900,000 VND/người/năm;
  • Hoạt động sản xuất chính là nghề làm vườn;

Các nghề phụ bao gồm: Sản xuất nước chấm, sản xuất nước đá, xay xát, cưa xẻ gỗ và chăn nuôi gia cầm.

Các vấn đề chính

  • Trong ấp có 90 hộ sử dụng nước giếng khoan (chiếm 41,86%) còn lại là các hộ sử dụng nước sông có lắng phèn và không lắng phèn, ngoài ra có một số hộ có sử dụng nước mưa vào mùa mưa, đa số các hộ sử dụng nước mưa để uống, hầu hết nước uống đều không được đun sôi, không đảm bảo vệ sinh an toàn.
  • Điều kiện vệ sinh môi trường của ấp hiện tại chưa được tốt do nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường chưa cao. Trong ấp số hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh rất ít, chủ yếu họ sử dụng cầu aop cá. Các chuồng trại chăn nuôi heo, gà, vịt chưa được hợp vệ sinh, các chất thải của người và động vật hầu hết được thải trực tiếp ra hệ thống kênh mương sông rạch.
  • Do đặc thù của vùng kênh rạch sông nước, người dân sống chủ yếu rải rác dọc theo kênh nên vấn đề quản lý chất thải tập trung là rất khó, các hộ gia đình thải bỏ rác thải ngay trong khu vực vườn nhà mình. Tuy nhiên  tại khu vực chợ, rác thải cần được đưa vào quản lý hợp lý để đảm bảo môi trường vệ sinh và cảnh quan sạch đẹp.
  • Người dân sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hoá học không theo hướng dẫn, chỉ định. Lượng huốc trừ sâu sử dụng rất lớn nhưng hiệu quả không cao, một số loại cây  ăn trái vẫn không kháng được bệnh. Đồng thời việc sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu và phân bón hoá học  gây ra ô nhiễm môi trường.

Các giải pháp được đưa ra

  • Giải pháp 1: Xây dựng trạm cấp nước tập trung cho các hộ gia đình, với đường ống dẫn nước chính chạy dọc theo sông, sau đó các hộ gia đình sẽ tự lắp đường ống dẫn về .
  • Giải pháp 2: Nâng cao nhận thức và khuyến khích người dân sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và tích cực giữ gìn vệ  sinh môi trường
  • Giải pháp 3: Xây dựng hố xí hơp vệ sinh đồng thời thu gom và xử lý sơ bộ chất thải của người và động vật trước khi thải ra kênh rạch
  • Giải pháp 4: Thay đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi các loại giống cây mới có khả năng kháng bệnh và năng suất cao nhằm giảm được lượng thuốc trừ sâu và phân bón hoá học bảo vệ môi trường vừa nâng cao thu nhập từ  thu hoạch cây ăn trái
  • Giải pháp 5: Đưa phương pháp IPM hướng dẫn cho người dân nhằm sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu một cách hợp lý
  • Giải pháp 6: Bên cạnh đó đưa phương pháp canh tác tự nhiên vào áp dụng thử trên vườn cây ăn trái và rau

Kết quả thu được

  • Tổ chức hướng dẫn và tuyên  truyền nhận thức về vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường: Tuyên truyền, khuyến khích người dân quản lý rác thải hợp lý ngay tại gia đình mình, đồng thời có các hoạt động vệ sinh làm sạch đường làng, ngõ xóm. Hướng dẫn các hộ gia đình cách phân loại rác thải để có thể tận dụng tối đa nguồn rác thải để sử dụng cho các mục đích khác: phân bón, chất đốt...
  • Mở 01 lớp huấn luyện về canh tác tự nhiên cho nhóm NSX ấp Nhơn lộc 1 và cho nhân dân toàn xã với tổng số người tham gia 60 người. Sau khoá học, người dân đã được hướng dẫn chế biến ra các chế phẩm vi sinh phục vụ trồng trọt chăn nuôi.
  • Nhóm NSX đã tiến hành làm thử nghiệm các chế phẩm canh tác tự nhiên đưa vào áp dụng trong trồng trọt vơí qui mô nhỏ
  • Đầu tư máy bơm tay để áp dụng chế phẩm canh tác tự nhiên trên cây dâu Hạ châu và một số cây ăn trái khác
  • Tổ chức hướng dẫn bà con sử dụng phân bón hợp lý và trình diễn thử trên một số vườn cây ăn trái
  • Tổ chức tham quan và học hỏi trao đổi kinh nghiệm giữa các nhóm NSX thực hiện dự án.

Bên cạnh đó một số giải pháp đề xuất nhưng chưa thực hiện như:

  • Giải pháp xây dựng trạm cấp nước tập trung cho các hộ gia đình, với đường ống dẫn nước chính chạy dọc theo sông, sau đó các hộ gia đình sẽ tự lắp đường ống dẫn về. Giải pháp này được nhóm NSX đưa ra nhưng chưa phân tích kỹ tính khả thi về mặt kinh tế và kỹ thuật do đó chưa nhìn thấy những khó khăn khi thực hiện giảI pháp này như: dân cư ở đây sống rải rác dọc theo sông nên việc xây dựng trạm cấp nước tập trung sau đó tự các hộ dân sẽ lắp đường ống về nhà mình là rất khó, đồng thời cũng rất khó để tìm được địa điểm phù hợp để xây dựng trạm cấp nước tập trung tại khu vực ấp Nhơn lộc I. 
  • Giải pháp xây dựng hố xí hơp vệ sinh đồng thời thu gom và xử lý sơ bộ chất thải của người và động vật trước khi thải ra kênh rạch: khi đưa ra giải pháp này, nhóm NSX chưa thể hiện được đó là mô hình điểm để có thể nhân rộng mô hình. Do đó giải pháp này sẽ được phân tích kỹ hơn để có thể đem lại hiệu quả cao khi thực hiện mô hình trong thời gian tới.
  • Giải pháp thay đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi các loại giống cây mới có khả năng kháng bệnh và năng suất cao: đây là một giải pháp mang tính lâu dài, khó có thể nhìn thấy được kết quả trong khoảng thời gian thực hiện dự án. Hơn nữa, để thực hiện được giải pháp này đòi hỏi phải có những phân tích và nghiên cứu kỹ về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng… do đó không thể thể hiện đó là một mô hình điểm để có thể nhân rộng trong cộng đồng.

Các nguyên nhân dẫn đến sự thất bạI trong việc thực hiện các giảI pháp gồm:

  • Thiếu sự tham gia của các tổ chức, cơ quan chính quyền địa phương: việc cam kết hỗ trợ từ phía các tổ chức và chính quyền địa phương là một yếu tố cần xem xét tới. Với kinh nghiệm và mối quan hệ mật thiết của các cơ quan và chính quyền địa phương đối với các hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt tại các cộng đồng dân cư, việc tham gia của các các tổ chức và cơ quan này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động của các nhóm Năng suất xanh. Sự ủng hộ của các tổ chức chính quyền là rất quan trong trọng việc huy động các nguồn lực tại địa phương và từ các chương trình khác nhằm thực hiên các giải pháp năng suất xanh. Kinh nghiệm để giải quyết tôt các vấn đề này từ các cộng đồng khác như trường hợp của khối Nam Ô II Đà nẵng, hay thôn Vĩnh Phúc tỉnh Phú Yên cần được học tập ở đây. Thiếu sự hỗ trợ này, việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp năng suất xanh sẽ khó có được tính khả thi.
  • Yếu tố nhân rộng chưa được thể hiện: Nhóm Năng suất xanh đã rất tích cực trong việc thực hiện các giải pháp năng suất xanh đơn giản với chi phí đầu tư nhỏ và có kết quả trong thời gian ngắn. Tuy nhiên các giải pháp đề xuất được thực hiện thí điểm cho các thành viên NSX, nhưng sau đó chưa được nhóm NSX đánh giá và hướng dẫn lại cho các hộ gia đình khác. Việc phối hợp giữa các cán bộ thực hiện dự án từ Trung tâm Năng suất Việt nam và các chuyên gia địa phương cũng chưa phát huy tốt để thực hiện vai trò hỗ trợ cho hoạt động của nhóm. Điều này làm hạn chế hiệu quả của mô hình nhân rộng, vốn là một trong những yếu tố quan trọng trong phương pháp luận của Năng suất xanh.
  • Một số giải pháp do nhóm Năng suất xanh đưa ra cần có thêm thời gian để có được sự tham vấn đầy đủ hơn từ các chuyên gia nhằm đánh giá tính khả thi của các giải pháp đó, cùng với người dân và nhóm năng suất xanh nhằm tìm được hướng đi một cách đúng đắn, vừa đảm bảo thực hiện được chương trình năng suất xanh có hiệu quả tại địa phương vừa đảm bảo các giải pháp đó phù hợp với điều kiện và năng lực của địa phương.