Năng suất xanh tại thôn Thắng Thành, tỉnh Ninh Bình

Sơ lược về địa phương

Thôn Thắng Thành, xã Trường yên là đất cố đô có di tích lịch sử đền vua Đinh, Lê nằm ở phía tây huyện Hoa Lư cách thủ đô Hà nội 93 km. Thắng Thành có 205 hộ với tổng số dân là 1050 người. Trồng trọt là hoạt động chủ yếu chiếm 60% thu nhập. Diện tích trồng trọt trung bình trên mỗi đầu người là 400 m2. Tuy nhiên, năng suất lại rất thấp (5.4 - 5.6 tấn/ha/năm). Ngoài ra, người dân trong thôn còn làm thêm một số nghề phụ như chăn nuôi gia súc, mở các dịch vụ tại khu du lịch, khai thác đá để cải thiện cuộc sống.

Các vấn đề chính

  • Chất lượng nước là một trong những vấn đề đau đầu nhất đối với người dân thôn Thắng Thành. Thắng Thành có sông Sào Khê chảy qua với chiều dài 7-8 km. Trong thôn không có hệ thống thoát nước và cấp nước, nguồn nước uống chính trong thôn là nước mưa, nước từ các giếng nông. Tuy nhiên hầu hết nguồn nước này bị ô nhiễm. Sự thiếu nước uống đặc biệt nghiêm trọng vào mùa khô khi hầu hết các giếng bị cạn kiệt, và vào mùa mưa khi các giếng này bị ô nhiễm bởi nước ngập.
  • Thôn Thắng Thành vẫn chưa có hệ thống thu gom rác thải, người dân thường đổ rác trực tiếp ra vườn hoặc xuống sông hay ao hồ.
  • Việc quản lý phân người và động vật tại thôn còn rất kém. Số lượng hố xí tự hoại còn rất thấp, phân thường được giữ trong các bể chứa. Khi các bể chứa này đầy, người dân ủ trong vườn và sau đó được mang ra đồng ruộng.
  • Lượng thuốc trừ sâu và phân bón hoá học được sử dụng rất nhiều và nhiều hộ gia đình sử dụng không theo chỉ dẫn của hợp tác xã. Chai đựng thuốc trừ sâu không được xử lý thích hợp mà người đân thường đem để vào các hang trong khe núi.

Các giải pháp được thực hiện

Giải pháp 1: Tuyên truyền, giáo dục, xây dựng quy chế bảo vệ môi trường tại địa phương nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường trong cộng đồng nói chung cũng như trong từng gia đình nói riêng;
Giải pháp 2: Xây dựng tram cấp nước tập trung cung cấp nước cho khoảng 100 hộ dân. Còn đối với hộ ở phân tán thì áp dụng việc xây bể lọc;
Giải pháp 3: Xây dựng nhà xí hợp vệ sinh, hầm biogas, ủ phân để xử lý chất thải của người và động vật;
Giải pháp 4: Thiết lập hệ thống thu gom và quản lý chất thải rắn tại địa phương;
Giải pháp 5: Xây dựng hố thấm xử lý nước thải trong các hộ gia đình trước khi thải ra ao, hồ, sông, mương;
Giải pháp 6: Xây dựng bếp tiết kiệm năng lượng;
Giải pháp 7: áp dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM);

Kết quả thu được

  • Xây dựng được quy chế bảo vệ môi trường, tổ chức tuyên truyền bằng pano, khẩu hiệu bằng các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương như qua hệ thống loa phóng thanh, báo, đài, tổ chức lễ phát động phong trào năng suất xanh trong toàn bộ xã Trường yên, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về năng suất xanh trong toàn bộ 16 xã của huyện Hoa lư thu hút hàng trăm lượt người tham gia
  • Tổ chức được 1 khoá đào tạo về khái niệm và nguyên lý thực hành năng suất xanh, 3 khoá đào tạo các kiến thức về năng suất và môi trường thu hút hơn 200 lượt người tham dự;
  • Xây dựng một trạm cấp nước công suất 2,4 m3/giờ, đủ cung cấp nước cho 50 hộ dân;
  • Xây dựng 4 bể lọc quy mô hộ gia đình cho các hộ ở xa trạm cấp nước;
  • Xây dựng được 5 hầm biogas, xây dựng một hố ủ phân thể tích 2 m3; chuyển giao chế phẩm EMONY để dùng trong ủ phân; xử lý rác thải làm tăng tốc độ phân huỷ, khử mùi hôi của chuồng trại chăn nuôi; Xây được 3 nhà xí 2 ngăn và 4 nhà xí một ngăn;
  • Đã xây dựng xong 31 thùng rác công cộng và một bãi chôn lấp rác thải tập trung;
  • Xây dựng được 4 hố thấm xử lý nước thải sinh hoạt trong các hộ gia đình;
  • Xây được 11 chiếc bếp tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khoẻ và giảm thiểu việc sử dụng năng lượng;
  • Áp dụng kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng giảm lượng phân hoá học và thuốc trừ sâu sử dụng.