Tin tức

Trở về

Chia sẻ giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sớm khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 28/4/2020 Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) thuộc Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường và Chất lượng đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh” với sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ thương mại trên cả nước.

 

Do tác động của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể. Khảo sát nhanh của VNPI đối với gần 200 doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp thường gặp một số khó khăn chính như thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, sản phẩm đầu ra bị tồn đọng, thu hẹp quy mô lao động hay năng suất lao động giảm rõ rệt... Nếu không có giải pháp khắc phục phù hợp, kịp thời, phần lớn doanh nghiệp sẽ không thể trụ vững.

Tại buổi tọa đàm, bà Vũ Hồng Dân - Trưởng phòng Cải tiến năng suất, VNPI đã chia sẻ những thông tin cũng như những giải pháp giúp doanh nghiệp “trụ vững” trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn thế giới.

“Chắc chắn mọi thứ sẽ thay đổi, nhiều thứ sẽ rủi ro hơn, các quốc gia, tổ chức hay từng cá nhân sẽ lựa chọn sự an toàn và sức khỏe trước vấn đề việc làm và kinh tế. Tuy nhiên để trụ vững trong bối cảnh này doanh nghiệp phải đáp ứng 3 yếu tố: Tư duy nhạy bén, hành động nhanh và quyết tâm cao. Khi mà dịch Covid-19 bùng phát đã phơi bày cho thấy sự mong mạnh của chuỗi cung ứng toàn cầu, sự đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu từ Trung Quốc và khi quốc gia này khôi phục nguồn cung thì hiện tượng đóng băng tại các thị trường tiêu thụ trên thế giới lại xuất hiện. Trong bối cảnh này nhiều doanh nghiệp đã phát triển mạnh mẽ đó là những doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, những doanh nghiệp sản xuất nhìn thấy cơ hội trong nguy cơ như: Dior, Chanel, kênh bán hàng Amazon hay Công ty May 10, Vingroup của Việt Nam… kịp thời chuyển hướng sản xuất kinh doanh”, Bà Vũ Hồng Dân chia sẻ.

Cũng theo bà Vũ Hồng Dân, để vượt qua khó khăn tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp phải nhạy bén, ứng biến linh hoạt, mọi thứ đều có rủi ro và chúng ta phải chấp nhận rủi ro như là một điều bình thường trong cuộc sống. Quyết định cắt giảm chi phí? Chuyển hướng đầu tư như thế nào?... kế hoạch đều phải thay đổi. Ngay lúc này doanh ngiệp cần phải rà soát môi trường sản xuất kinh doanh cả ở bên trong và bên ngoài. Không ngừng kết nối với khách hàng để từ đó có quyết định điều chỉnh kịp thời. Dịch Covid-19 giúp chúng ta thấy được những điểm nghẽn, yếu kém trong nội tại mỗi doanh nghiệp.

Tuy nhiên để các thay đổi mang lại kết quả cao, các doanh nghiệp cũng cần có những phân tích từng khâu, từng lĩnh vực sản xuất, thị trường… để từ đó có giải pháp cụ thể. Doanh nghiệp phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người lao động để tạo sự đồng thuận và lôi kéo sự tham gia của toàn bộ người lao động.

Có nhiều công cụ quản lý năng suất, chất lượng, quản trị doanh nghiệp có thể giúp doanh nghiệp nhận biết các nguy cơ rủi ro, nâng cao quản trị doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp “vượt qua” bối cảnh này như: ISO 9001-2015, PEST, SWOT, FIVE FORCE, ISO 31000:2009, hướng dẫn quản lý rủi ro ERM, DDP hay liên quan đến quản lý và phát triển khách hàng thì có CRM, CSM, QFD…

Ông Cao Hoàng Long- Trường phòng Quản lý giải pháp và Đổi mới sáng tạo, VNPI cho rằng, ở góc độ vĩ mô có một số vấn đề doanh nghiệp vừa và nhỏ cần quan tâm đó là những tác động từ bên ngoài gồm chuỗi sản xuất kinh doanh đứt gãy, xuất khẩu nhập khẩu hạn chế hay EVFTA yêu cầu về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như các hàng rào kỹ thuật. Trong khi các tác động từ bên trong gồm các vấn đề như phương thức sản xuất, quản lý chất lượng, quản lý giao hàng, quản lý khách hàng, quản lý tồn kho….

Do vậy doanh nghiệp cần thiết lập trung và dài hạn đối với việc nâng cao năng suất tổng thể, đào tạo nâng cao nhân lực cho đội ngũ nhận sự cũng như thiết lập củng cố nền tảng hiện trường sản xuất, tập trung vào những công đoạn đơn giảm, làm giảm thao tác của người lao động hoặc giúp người lao động thực hiện các thao tác dễ dàng hơn, đỡ tốn sức. Đồng thời kiểm soát được lượng hàng tồn kho…cũng như thực hiện các công cụ cải tiến năng suất.

Tại buổi trao đổi, tư vấn, cùng với các chuyên tư vấn ông Đoàn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty CP May Nam Hà cũng đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp phù hợp cho từng loại hình doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa chi phí và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Thu Hường - Báo Công Thương