Tin tức

Trở về

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nền tảng thúc đẩy năng suất doanh nghiệp vừa và nhỏ

Đó là khẳng định của các doanh nghiệp, chuyên gia và nhà quản lý tại Hội nghị “Thúc đẩy năng suất doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dựa trên nền tảng đổi mới khoa học, công nghệ và cả cách quy định hành chính" do Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) ngày 7/10/2020 tại Hà Nội.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại toàn cầu. “Tính riêng 9 tháng đầu năm 2020, nước ta đã có khoảng 70.000 doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc đóng cửa, ảnh hưởng tới 31 triệu người lao động”- TS. Nguyễn Văn Thân, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn CCTTHC của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. 

Do vậy, trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp vừa phải tiết giảm chi phí, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động để đảm bảo duy trì vận hành tối thiểu. Để làm được điều đó doanh nghiệp cần các nỗ lực luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu khách hàng, đồng thời tăng năng suất, hiệu quả hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Thân cho biết thêm, khi dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta phải thực hiện cách ly toàn xã hội, các doanh nghiệp (trong đó đã có doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có những thích ứng nhanh, thay đổi hình thức kinh doanh, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ để tồn tại. Thậm chí, một số doanh nghiệp nhạy bén trong việc nắm bắt cơ hội để duy trì hoạt động kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. 

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định trong bài phát biểu Khai mạc Hội nghị cũng nhận định, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng nghiên cứu và triển khai các ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế; điển hình như việc nghiên cứu đầu tư dây chuyền sản xuất các thiết bị y tế, các sản phẩm chế phẩm sinh học phục vụ cho công tác phòng, chống dịch…

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu khai mạc Hội nghị. 

Điều này nói lên rằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là chìa khóa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh Covid-19 và cơ hội để doanh nghiệp phát triển. Cách mạng công nghiệp 4.0, mang đến cho Việt Nam rất nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức trong nỗ lực tạo ra chuyển biến rõ rệt về năng suất. Hội nhập kinh tế quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh Hiệp định CPTPP, EVFTA vừa đi vào thực thi, cơ hội thu hút đầu tư được mở rộng. Để việc thu hút đầu tư được thuận lợi, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là mấu chốt giúp nâng cao năng suất chất lượng, tiết giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính, tối ưu hóa quá trình sản xuất.

Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã chỉ rõ quan điểm đổi mới mô hình tăng trưởng là “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi cho khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài”. Nếu coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố quyết định cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới thì việc đầu tư cho hoạt động này là vô cùng cần thiết. Đó là sự chuyển hướng phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Với bài tham luận “ Thúc đẩy năng suất và năng lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo” , TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cũng đã đề cập đến nội dung này. Theo đó, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong đó vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa vô cùng quan trọng, sẽ trở thành yếu tố quan trọng tăng năng suất lao động trong nội tại nền kinh tế.

TS.Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng trình bày tham luận tại Hội nghị. 

Ông cũng thông tin thêm về Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021- 2030 đã được Chính phủ phê duyệt và Kế hoạch tổng thể thúc đây năng suất quốc gia dựa trên nên tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng với sự với sự hỗ trợ của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) và Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc. Theo đó, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong 04 trụ cột chính nâng cao năng suất của Việt Nam. Đây đều là những chương trình hỗ trợ của Nhà nước được đánh giá cao và kỳ vọng mang lại những giá trị cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc nâng cao năng suất chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã diễn ra. 

Chuyên gia tư vấn Cao Hoàng Long- Trưởng phòng Giải pháp quản lý và đổi mới sáng tạo (Viện năng suất Việt Nam) đã hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận lộ trình cải tiến năng suất, chuyển đổi số và sản xuất thông minh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - từ tư duy đến hành động. Theo đó, chuyên gia về đổi mới sáng tạo và cải tiến năng suất đã trao đổi về cách tiếp cận hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh; các hệ thống, công cụ hỗ trợ cải tiến năng suất, tiếp cận đến sản xuất thông minh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Cao Hoàng Long- Trưởng phòng Giải pháp quản lý và đổi mới sáng tạo, Viện Năng suất Việt Nam trình bày tại Hội nghị. 

Đại diện doanh nghiệp cung cấp giải pháp đã trao đổi về các giải pháp các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số và sản xuất thông minh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Toàn cảnh Hội nghị. 

Theo một khảo sát của Viện Năng suất Việt Nam, 43% doanh nghiệp quan tâm tới đổi mới khoa học công nghệ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn đổi mới công nghệ, nhưng chưa rõ quy trình nên bắt đầu từ đâu. Do đó, Hội nghị được kỳ vọng là cầu nối giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp cung cấp giải pháp và doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhằm lắng nghe ý kiến và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời đem đến tư duy đổi mới  khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu và 36 nghìn người theo dõi Hội nghị trực tuyến trên Vnexpress.net 

Hội nghị được phát sóng trực tuyến trên VnExpress.net 

Mai Linh