Tổng quan về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở được hiểu là hệ sinh thái bao gồm nhiều chủ thể (các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, viện nghiên cứu, trường đại học, khách hàng…) và các chủ thể này đều tích cực thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo mở. Theo đó, các chủ thể này không chỉ dựa vào kiến thức, nguồn lực và tài nguyên nội bộ của chính họ để hình thành kết quả đổi mới sáng tạo (sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, quy trình…) mà còn chủ động tìm kiếm và sử dụng nhiều nguồn bên ngoài để thúc đẩy nhanh hơn quá trình Đổi mới sáng tạo và hướng tới việc tạo ra giá trị chung.
Các cơ quan quản lý Nhà nước có vai trò rất quan trọng đối với hệ sinh thái mở của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay vì hệ sinh thái vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và cần có sự quản lý của Nhà nước để mọi hoạt động được tuân thủ đúng. Nhà nước có vai trò kiến tạo, tạo môi trường để thúc đẩy các thành tố trong hệ sinh thái phát triển. Ở Việt Nam, để tạo thuận lợi cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách, bao gồm: (i) Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; (ii) Chính sách về chuyển giao công nghệ, phát triển nền kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia; và (iii) Chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Doanh nghiệp lớn, tập đoàn được coi là chủ thể tiềm năng nhất trong hệ đổi mới sáng tạo mở do loại hình doanh nghiệp này có tất cả các yếu tố thành công như nguồn tài chính vững mạnh, thị trường lớn, thương hiệu lớn, đội ngũ quản lý và nghiên cứu chất lương cao, nên trong hệ sinh thái họ đóng vai trò là người hỗ trợ để: (i) xây dựng quỹ đầu tư vào các dự án khởi nghiệp, (ii) hỗ trợ vốn để duy trì các dự án khởi nghiệp cụ thể; và (iii) hỗ trợ những kiến thức, kinh nghiệm đối với cộng đồng khởi nghiệp
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trở thành các mắt xích trong chuỗi giá trị với các doanh nghiệp lớn và các chủ thể khác và được hưởng lợi khi các chủ thể trong hệ sinh thái vận hành thành chuỗi tăng trường.
Các công ty khởi nghiệp (Startup)/ doanh nghiệp công nghệ chính là bên cung cấp giải pháp sẵn có mang tính mới, triệt để hay thậm chí là đột phá cho các bên có bài toán bao gồm doanh nghiệp lớn, tập đoàn, các doanh nghiệp SMEs và kể cả các cơ quan quản lý Nhà nước.
Trường đại học với chức năng là cung cấp nguồn lực con người cho hệ sinh thái và viện nghiên cứu thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học (bao gồm nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng) và chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học góp phần hỗ trợ cũng như cung cấp giải pháp cho các chủ thể khác trong hệ sinh thái.
Các tổ chức trung gian đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cũng như tư vấn, gọi vốn, đầu tư, hỗ trợ thị trường, hỗ trợ kinh doanh…. Trong thời đại số ngày nay, các nền tảng số kết nối bên cung và cầu về đổi mới sáng tạo sẽ là một thành tố không thể thiếu để thúc đẩy sự kết nối liên tục, theo nhu cầu và không bị giới hạn về thời gian và không gian giữa các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở.
Theo Báo cáo về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII), liên kết sáng tạo tại Việt Nam trong những năm gần đây đã ngày càng được củng cố và tăng cường. Điều này chứng tỏ rằng mối liên hệ giữa các chủ thể trong Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngày càng chặt chẽ và hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Mối liên hệ giữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở và năng suất
Các nghiên cứu trước đây đã khẳng định rằng mối quan hệ giữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở và năng suất (ở cấp độ quốc gia, tổ chức) là mối quan hệ thuận chiều. Hay nói cách khác, một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở hoạt động hiệu quả thì sẽ dẫn tới năng suất sẽ tăng lên và ngược lại (ví dụ như nghiên cứu của Arvannitis, 2012, Belderbos và cộng sự, 2006, 2004, Cincera và cộng sự, 2003, Aliasghar và cộng sự 2019, Bonte, 2003, Lokshin và cộng sự, 2008, Hwang và Lee, 2010 và Leeuw và cộng sự, 2014 …
Như vậy, giữa hệ sinh thái ĐMST mở và năng suất (ở cấp độ quốc gia, ngành, tổ chức) có mối quan hệ và mối quan hệ này có thể là thuận chiều hoặc là mối quan hệ đa tuyến U-shaped.
Hình 6: Mối quan hệ giữa liên kết sáng tạo và năng suất ở Việt Nam
giai đoạn 2011-2022
Nguồn: GII và Niêm giám thống kê.
Hình 6 cho thấy mối quan hệ giữa chỉ số liên kết sáng tạo và năng suất lao động ở Việt Nam là mối quan hệ thuận chiều đặc biệt trong 3 năm trở lại đây. Điều này có nghĩa là khi hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở hoạt động hiệu quả sẽ kéo theo sự tăng trưởng của năng suất lao động và ngược lại khi hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở hoạt động không hiệu quả thì kéo theo năng suất lao động giảm xuống. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa tốc độ tăng năng suất lao động và chỉ số liên kết sáng tạo không rõ ràng. Ví dụ trong năm 2021 và 2022, Nhóm chỉ số liên kết sáng tạo bao gồm hợp tác trường đại học - doanh nghiệp, quy mô phát triển cụm công nghiệp tăng lên nhưng tốc độ tăng năng suất lại giảm xuống; tuy nhiên trong năm 2019-2020, hai chỉ số về hợp tác trường đại học - doanh nghiệp và quy mô phát triển cụm công nghiệp tăng lên kéo theo tốc độ tăng năng suất tăng lên.
Đề xuất giải pháp nâng cao năng suất của nền kinh tế thông qua phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở
Qua nghiên cứu của nhóm, có 2 điểm nghẽn làm cho mối liên hệ giữa hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở và năng suất (quốc gia, ngành, tổ chức) ở Việt Nam chưa phát huy hết các điểm mạnh đó là: (i) hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam còn ở mức sơ khai và chưa hoàn thiện; và (ii) khả năng hấp thụ các nguồn lực từ bên ngoài của các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo còn thấp. Do đó, 2 giải pháp trong thời gian tới để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở thực sự là nền tảng để nâng cao năng suất là: (i) Hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam; và (ii) nâng cao năng lực hấp thụ các nguồn lực từ bên ngoài của các chủ thể trong hệ sinh thái.
Hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam
- Nâng cao nhận thức và năng lực cho tất cả cán bộ quản lý, nhân viên của các chủ thể tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở tại Việt Nam và xa hơn là hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo mở đối với các chủ thể;
- Đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện chính sách và các công tác khuyến khích, thúc đẩy dối với một số lĩnh vực mà Việt Nam đang có lợi thế như Fintech, Blockchain…
- Hình thành những liên kết vùng, liên kết không biên giới cho hệ sinh thái ĐMST mở;
- Xây dựng hệ sinh thái tương tác đa kênh để thúc đẩy sự kết nối và tương tác một cách liên tục (Always - on) và theo nhu cầu (on - demand) giữa các chủ thể trong hệ sinh thái;
- Gia tăng sức mạnh cho các tổ chức trung gian.
Nâng cao năng lực hấp thụ các nguồn lực từ bên ngoài
Thứ nhất, tăng cường đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp. Nâng cao năng lực doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ mới và đổi mới trong tổ chức thông qua thay đổi cơ cấu, chiến lược và văn hóa sẽ mang lại lợi ích kinh tế cao nhất cho Việt Nam tại thời điểm này trong sự phát triển của đất nước. Do đó, cần có các chính sách hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp về cách sử dụng công nghệ tốt nhất và những chính sách này sẽ thay đổi khi năng lực công nghệ trong doanh nghiệp được cải thiện và phát triển.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả kỹ thuật của các doanh nghiệp. Trọng tâm của hoạt động này là tối ưu hóa việc áp dụng các công nghệ đang được đổi mới. Trở thành một nhà sản xuất hiệu quả và cạnh tranh không đòi hỏi phải tạo ra các công nghệ hàng đầu nhưng đòi hỏi phải sử dụng các công nghệ một cách hiệu quả, đây là "khả năng hấp thụ công nghệ" theo nghĩa rộng hơn. Đó là các hoạt động nhằm tăng cường năng lực của doanh nghiệp liên quan đến việc triển khai và sử dụng hiệu quả công nghệ, đặc biệt là khả năng quản lý và tổ chức của các doanh nghiệp.
Thứ ba, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển (NC&PT) và các ngành công nghiệp mới để nâng cao đường biên công nghệ. Hoạt động NC&PT giúp tăng khả năng hấp thụ công nghệ và tạo cơ hội tăng ngày càng nhiều sáng tạo công nghệ. Trọng tâm hiệu quả nhất của nỗ lực NC&PT là thúc đẩy áp dụng và thích ứng công nghệ trong tất cả giai đoạn và các ngành: nhập khẩu, kỹ nghệ đảo ngược, áp dụng và thích ứng.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực. Phát triển các kỹ năng và năng lực của con người là điều kiện tiên quyết đối với cả đổi mới và sáng tạo công nghệ. Kỹ năng có thể được phát triển thông qua: giáo dục chính quy, đào tạo nghề, đào tạo tại chỗ, nhập khẩu hoặc chuyển dịch lao động có kỹ năng. Tầm quan trọng của các kênh này trong phát triển nguồn nhân lực phụ thuộc vào cơ cấu kinh tế, mức độ phức tạp của tri thức được sử dụng và khả năng hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp.