Tin tức

Back

Phong trào năng suất chất lượng tại Việt Nam

Có thể nói, phong trào năng suất chất lượng tại Việt Nam bắt đầu được khởi xướng vào năm 1995 thông qua Hội nghị Chất lượng Việt Nam do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ (trước đây là Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) tổ chức. Tại Hội nghị, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã chính thức phát động Thập niên Chất lượng lần thứ nhất. 

  • Giai đoạn 1996-2010

Vai trò và tầm quan trọng của năng suất và cải tiến năng suất đã được nhấn mạnh sau khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Năng suất Châu Á năm 1996. Năm 1997, Trung tâm Năng suất Việt Nam trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được thành lập, thực hiện vai trò là Tổ chức Năng suất Quốc gia, đầu mối thực hiện các chương trình, dự án của APO tại Việt Nam.

Năm 2005, Thập niên Chất lượng lần thứ hai với chủ đề "Năng suất Chất lượng- Chìa khóa Phát triển và Hội nhập” được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát động tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ VI. Mục tiêu của Thập niên Chất lượng lần thứ hai là: tạo lập uy tín chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá “chế tạo tại Việt Nam”, góp phần tăng cường xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu trong nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước, bảo vệ sức khoẻ, an toàn, môi trường và thực hiện kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả đối với các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường nội địa.

Trong nhiều năm, khái niệm năng suất được hiểu gần như đồng nhất với năng suất lao động và mọi nỗ lực cải tiến năng suất tập trung vào tăng năng suất lao động. Với quan điểm như vậy, theo đuổi mục tiêu cải tiến năng suất là tìm mọi cách thức tăng sản lượng đồng thời giảm chi phí. Cách nhìn nhận năng suất này chỉ phản ánh được khía cạnh hiệu quả sử dụng nguồn lực tức đầu vào, chưa tính đến hiệu lực của đầu ra. Theo đuổi mục tiêu cải tiến năng suất, đôi khi sử dụng các phương pháp cắt giảm chi phí như tăng cường độ lao động, giảm số lượng lao động và chạy theo sản lượng mà hy sinh yếu tố chất lượng. Trong bối cảnh như vậy, phong trào năng suất quốc gia đã xây dựng những hoạt động trọng tâm như sau:

  • Xúc tiến mạnh mẽ việc quảng bá và nâng cao nhận thức về năng suất và vai trò của năng suất trong phát triển kinh tế xã hội một cách sâu rộng.

  • Phổ biến các phương pháp đo lường, đánh giá và cải tiến năng suất.

  • Thúc đẩy hoạt động cải tiến năng suất trong các doanh nghiệp thông qua đào tạo, tư vấn hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ, kỹ thuật cải tiến năng suất chất lượng như TQM, ISO 9000, ISO 14000, HACCP, Kaizen, 5S, QCC.

  • Tiếp nhận tri thức, kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế thông qua triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh để đưa hàng hóa của Việt Nam đến với thị trường quốc tế; Triển khai các dự án của APO để chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm cải tiến năng suất quốc tế vào Việt Nam.

Những kết quả đạt được từ phong trào năng suất trong giai đoạn này:

  • Thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về tầm quan trọng của năng suất và cải tiến năng suất chất lượng. Doanh nghiệp chủ động xây dựng các chương trình cải tiến năng suất chất lượng và đào tạo nhân sự nội bộ để thực hiện hoạt động cải tiến. Các hệ thống quản lý như ISO 9000, SA 8000, ISO 14000, GMP, HACCP được trở nên phổ biến, được nhiều doanh nghiệp áp dụng và công cụ như 5S, Kaizen ngày càng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Những yếu tố này đã giúp cho hàng hóa “Made in Viet Nam” ngày càng thỏa mãn được yêu cầu của khách hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế. Sau phát động Thập niên Chất lượng lần thứ hai, nhiều mô hình tiên tiến như KPI, BSC, LEAN, Lean 6 sigma, v.v và ứng dụng CNTT trong quan lý được giới thiệu tới doanh nghiệp Việt Nam.

  • Các tổ chức, cơ quan hành chính nhà nước cũng tham gia hỗ trợ tích cực trong việc thúc đẩy phong trào bằng việc tiếp thu và phổ biến những phương pháp mới, ứng dụng những công cụ quản lý như ISO9000 để đẩy mạnh chất lượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

  • Cùng với việc phổ biến năng suất trong doanh nghiệp, Trung tâm Năng suất Việt Nam khởi xướng với sự hỗ trợ của APO đã tiến hành dự án Năng suất xanh và Phát triển cộng đồng cho hơn 80 cộng đồng tại 21 tỉnh/thành phố. Mục tiêu của chương trình Năng suất xanh là phổ biến ý nghĩa năng suất tới cộng đồng, nhằm cải thiện đời sống của người dân cũng như giải quyết cơ bản các vấn đề về môi trường tại địa phương. Chất lượng cuộc sống và điều kiện môi trường của người dân tại các địa phương áp dụng điểm chương trình năng suất xanh đã được cải thiện rõ rệt thông qua việc thực hiện một loạt các giải pháp Năng suất xanh như áp dụng kỹ thuật biogas, xây dựng trạm cấp nước tập trung, áp dụng kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM). Việt Nam là quốc gia đầu tiên đưa Năng suất xanh vào áp dụng tại cộng đồng, do vậy những kết quả và kinh nghiệm thu được từ dự án rất hữu ích không chỉ đối với việc thúc đẩy phong trào Năng suất xanh tại Việt Nam mà còn trở thành một mô hình sinh động về việc áp dụng tại cộng đồng cho các quốc gia khác trong khu vực.

  • Giai đoạn 2010 - 2020

Những kết quả đạt được từ nỗ lực hình thành phong trào năng suất tại Việt Nam đã tạo ra nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất, đặc biệt trong các doanh nghiệp. Năm 2009, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010, định hướng Phong trào năng suất quốc gia giai đoạn 2010 - 2020.

Quan điểm của chương trình là:

            - Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ.

- Nhà nước tạo nền tảng, hỗ trợ cho việc nâng cao năng suất và chất lượng. Doanh nghiệp đóng vai trò chủ yếu trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

- Các nhiệm vụ của chương trình được lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển liên quan đến nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Mục tiêu tổng quát của chương trình:

- Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

 - Tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đóng góp tích cực và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với 09 dự án, trong đó có 02 dự án tạo lập nền tảng cho hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì và 06 dự án ngành do 06 Bộ quản lý ngành, địa phương chủ trì chương trình đã đóng góp cho sự nghiệp phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và sự tăng trưởng năng suất quốc gia.

Hiệu quả đạt được của chương trình

 a) Góp phần tạo lập “cơ sở hạ tầng” cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng trong doanh nghiệp nói riêng và phạm vi nền kinh tế nói chung bao gồm hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL cụ thể áp dụng trong doanh nghiệp, cụ thể:

 + Hệ thống TCVN đã được bổ sung về số lượng TCVN và mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế với 13.000 TCVN, tỷ lệ hài hòa khoảng 60% và hệ thống quy chuẩn quốc gia với khoảng 800 QCVN.

+ Hình thành mạng lưới các tổ chức/chuyên gia am hiểu chuyên môn về năng suất chất lượng hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động cải tiến;

 + Hình thành hệ thống tài liệu, giáo trình sử dụng cho đào tạo, tư vấn hướng dẫn, quảng bá kiến thức về năng suất chất lượng và cơ sở dữ liệu về năng suất chất lượng giúp doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm hiểu, học hỏi để triển khai áp dụng.

 + Phát triển các tổ chức ĐGSPH đạt tiêu chuẩn, đảm bảo thử nghiệm các chỉ tiêu an toàn, chất lượng cơ bản của sản phẩm, hàng hóa;

b) Gia tăng năng lực, thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức tư vấn về năng suất chất lượng, các Viện/Trường thông qua chương trình đào tạo chuyên gia và quá trình tham gia các nhiệm vụ nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ Chương trình.

c) Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình được phổ biến, đào tạo về nhận thức, hướng dẫn cách thức triển khai áp dụng các công cụ, phương pháp, kỹ thuật gia tăng NSCL, qua đó nâng cao nhận thức, kiến thức và năng lực triển khai tự thân cho doanh nghiệp.

 Sau khi được hỗ trợ thực hiện các dự án cải tiến NSCL, các doanh nghiệp đều tăng được lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL đã giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu do đáp ứng các điều kiện về quản lý và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước xuất khẩu đến đồng thời kiểm sóat được các quá trình nội bộ liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm, môi trường, an toàn và sức khỏe. Thông qua việc phát triển thị trường, phát triển doanh nghiệp, người lao động có cơ hội có việc làm bền vững, tăng khả năng tạo ra việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động. Việc áp dụng các công cụ cải tiến NSCL giúp năng suất nhà máy tăng từ 10-30%, năng suất lao động có doanh nghiệp tăng tới 50%.

 d) Tác động về kinh tế - xã hội

- Nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp, người tiêu dùng về năng suất chất lượng. Vấn đề về năng suất, cải tiến năng suất được xuất hiện nhiều hơn trong tư duy và hành động của các nhà lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là lãnh đạo doanh nghiệp. Năng lực quản lý của các doanh nghiệp Việt nam được nâng lên rõ rệt đang dần thu hẹp khoảng cách về trình độ quản lý giữa doanh nghiệp Việt Nam so với trình độ quản lý của các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo cho sự phát triển và hội nhập thành công của Việt nam trên thị trường quốc tế;

 - Chương trình đã góp phần đạt được tăng trưởng năng suất, tạo cơ hội thu hẹp dần khoảng cách về năng suất với các nước trong khu vực. Theo đó:

+ Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,24% và giai đoạn 2016-2020 là 5,88%.

+ Tốc độ tăng Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) không ngừng được cải thiện, bình quân chung giai đoạn 2011-2020, tăng TFP đóng góp 39,6% vào tăng trưởng kinh tế.

  • Giai đoạn 2021 - 2030

Giai đoạn này đánh dấu bước phát triển của phong trào năng suất quốc gia, khi Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam 2021-2030 xác định các trụ cột chính để hiện thực hóa khát vọng vươn cao, trong đó, nhấn mạnh duy trì tăng trưởng cao dựa trên thúc đẩy năng suất lao động (NSLĐ), đổi mới sáng tạo. Như vậy, tăng NSLĐ là yếu tố quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và là điều kiện tiên quyết để giúp Việt Nam thu hẹp trình độ phát triển với các nước trong khu vực, hướng tới mục tiêu là nước phát triển với thu nhập cao vào năm 2045.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hai Quyết định gồm: Quyết định 1322/QĐ-TTg ngày 31/2020 phê duyệt Chương trình quốc gia Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 và Quyết định 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc phê duyệt hai Quyết định, theo đó Chương trình 1322 hướng vào hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng và Chương trình 7212 hướng vào việc tạo lập chính sách, xây dựng cơ sở dữ liệu về năng suất, phổ biến kiến thức về năng suất tới thế hệ trẻ, nghiên cứu và phổ biến những hệ thống, công cụ cải tiến tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất sẽ mang đến một phong trào năng suất toàn diện, hiệu quả, đẩy nhanh công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Viện Năng suất Việt Nam