Tin tức

Back

Đánh giá hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước góp phần nâng cao năng suất của Việt Nam

Trong buổi hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyên gia của Viện Năng suất Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Dần đã chia sẻ “Khu vực kinh tế nhà nước có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, do đó nếu khu vực kinh tế nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả thì sẽ tạo ra các tác động tiêu cực đến năng suất tổng thể của nền kinh tế. Vì vậy, trong chương trình năng suất tổng thể, doanh nghiệp nhà nước cần trở thành các doanh nghiệp dẫn dắt phong trào cải tiến năng suất”.

Khu vực kinh tế nhà nước là một trong những trụ cột quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước vẫn còn cao, chiếm khoảng 31,8% GDP. Khu vực kinh tế nhà nước đóng góp hơn một nửa tổng doanh thu trong hầu hết các lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế: điện, khoáng sản, dầu khí, tài chính, thực phẩm và viễn thông (ADB 2020).

         Cơ cấu GDP, cơ cấu vốn và đầu tư của các khu vực kinh tế (2017)

Mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ chiếm 0,4% tổng số doanh nghiệp của cả nước, nhưng DNNN chiếm khoảng 29,6% tổng vốn của cả nước, chiếm 31,8% tổng nguồn vốn đầu tư của cả nước. Trong danh sách 10 tập đoàn kinh tế hàng đầu của Việt Nam có tên 7 tập đoàn kinh tế nhà nước.

Trong buổi hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyên gia của Viện Năng suất Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Dần đã chia sẻ “Khu vực kinh tế nhà nước có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, do đó nếu khu vực kinh tế nhà nước hoạt động thiếu hiệu quả thì sẽ tạo ra các tác động tiêu cực đến năng suất tổng thể của nền kinh tế. Vì vậy, trong chương trình năng suất tổng thể, doanh nghiệp nhà nước cần trở thành các doanh nghiệp dẫn dắt phong trào cải tiến năng suất”.

Việt Nam đã thực hiện hai chiến lược cải cách doanh nghiệp nhà nước. Chiến lược đầu tiên đó là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước quy mô vừa và nhỏ nhằm đa dạng hóa quyền sở hữu của các doanh nghiệp, giảm nợ công (theo luật doanh nghiệp năm 2005). Kể từ năm 1992, gần 4.000 doanh nghiệp nhà nước đã được chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân.

Chiến lược thứ hai là thành lập các Tập đoàn kinh tế nhà nước, nhân rộng quy mô doanh nghiệp bằng cách gộp các doanh nghiệp có liên quan với nhau (tổng công ty) thành tập đoàn kinh tế. Chiến lược này nhằm mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong các ngành trọng điểm nhằm đáp ứng hội nhập quốc tế.

Trên thế giới, doanh nghiệp nhà nước đóng góp một phần đáng kể vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và việc làm ở các quốc gia đang phát triển (OECD, 2015). Với vai trò quan trọng trong nền kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước góp phần nâng cao năng lực công nghệ trong nước và tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo. Sự đóng góp của các doanh nghiệp nhà nước trong việc phát triển kinh tế và tái cơ cấu công nghiệp quốc gia được coi là có ý nghĩa, nhờ vào sự đầu tư đáng kể vào đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển, kết hợp với khả năng phát triển chiến lược và tiếp cận thị trường toàn cầu.

Cải cách doanh nghiệp nhà nước là một nội dung quan trọng trong chương trình tái cơ cấu và năng suất của Việt Nam. Trong hơn 30 năm qua, số lượng các doanh nghiệp nhà nước đã giảm dần do nỗ lực trong việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước bằng việc cổ phần hóa đang đạt được một số tiến bộ, tuy nhiên để đạt được mục tiêu cải cách của các doanh nghiệp nhà nước thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục là một giải pháp tăng hiệu quả trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó doanh nghiệp nhà nước cần chú ý tới việc tăng hiệu quả trong công tác quản trị.

Khu vực kinh tế nhà nước, đặc biệt là tập đoàn kinh tế lớn và các tổng công ty có vai trò cốt lõi trong nền kinh tế. Do đó, nâng cao năng suất của doanh nghiệp nhà nước như một yếu tố chính tác động đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế.

VNPI