Tin tức

Back

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá tại các địa phương

Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương, đoàn đại biểu của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã lắng nghe báo cáo của các địa phương về tình hình thực hiện dự án năng suất chất lượng cũng như đề xuất, kiến nghị của các địa phương về phương hướng triển khai dự án trong giai đoạn tiếp theo.

 

Sau gần 10 năm triển khai, chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã đem lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp. Thông qua việc tích cực thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về lợi ích khi tham gia chương trình cũng như hoạt động đào tạo, tư vấn, hàng trăm doanh nghiệp trên cả nước đã tiếp cận và hướng dẫn áp dụng các công cụ cải tiến cơ bản và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thực tế triển khai cho thấy, nhiều địa phương triển khai chương trình đạt được nhiều kết quả tích cực. Một số địa phương không triển khai dự án lượng thuộc Chương trình cũng đã có hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá trong khung chương trình, đề án, dự án khoa học và công nghệ.

Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương, đoàn đại biểu của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã lắng nghe báo cáo của các địa phương về tình hình thực hiện dự án năng suất chất lượng cũng như đề xuất, kiến nghị của các địa phương về phương hướng triển khai dự án trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Hà Minh Hiệp- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tham dự buổi làm việc 

Ông Nguyễn Văn Tân, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều dự án thuộc khuôn khổ Chương trình như “Hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng chung cho các doanh nghiệp trên địa bàn toàn Tỉnh”, dự án “Xây dựng 30 mô hình điểm về nâng cao năng suất chất lượng”…Nhiều dự án hoàn thành và ghi nhận kết quả khả quan như doanh nghiệp khi triển khai các dự án, tối ưu hoá quá trình sản xuất đã cải thiện năng suất từ 15-20%; 6/30 doanh nghiệp đạt giải thưởng chất lượng quốc gia và giảng Vàng quốc gia. Một số doanh nghiệp thành công điển hình như Gốm Đất Việt, Cơ khí Mạo Khê, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Văn Tân- Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL tỉnh Quảng Ninh báo cáo tình hình triển khai Chương trình tại địa phương

Bên cạnh đó, áp dụng chương trình với sự hỗ trợ từ các chuyên gia đã giúp cho nhiều doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý công nghệ, qua đó tiết kiệm chi phí, nguyên vật liệu và thời gian, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh trên thị trường. Dẫu vậy, lợi ích lớn nhất đạt được đó là dự án đã góp phần thay đổi sâu sắc nhận thức của cán bộ nhân viên về năng suất chất lượng, về sự cần thiết cải tiến năng suất của lãnh đạo doanh nghiệp, từ đó thức đẩy sự tham gia của từng cá nhân. 

Trao đổi với Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông Phạm Văn Bình- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương nhận định, sau nhiều năm triển khai Chương trình, các doanh nghiệp trên địa bàn đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. Có thể nói, hệ thống quản lý chất lượng như ISO 9001, SA 8000, ISO 14000, GMP, HACCP hay công cụ cải tiến cơ bản như 5S, Kaizen, Lean, Lean 6 Sigma… đã không còn xa lạ với nhiều doanh nghiệp tại Hải Dương.

Đoàn đại biểu Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

làm việc tại Sở KH&CN tỉnh Hải Dương 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình tại các địa phương cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức như: thiếu hụt nguồn lực đội ngũ quản lý, tư vấn năng suất chất lượng; nguồn lực kinh phí hạn hẹn hay những thay đổi về lãnh đạo, nhân sự tại doanh nghiệp…

Tổng kết việc triển khai chương trình, bà Nguyễn Kim Thanh- Vụ phó Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chia sẻ, chương trình nhận được phản hồi tích cực từ Chính phủ, Bộ, ban ngành cũng như doanh nghiệp về tính hiệu quả và thiết thực sau gần 10 năm triển khai. Tuy vậy, trước bối cảnh Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang có tác động mạnh mẽ đến năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế, Chương trình dự kiến sẽ hướng tới một số điểm mới như hỗ trợ doanh nghiệp trong lộ trình tiếp cận với CMCN 4.0; tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các công cụ, giải pháp kết hợp ứng dụng khoa học kĩ thuật, đổi mới sáng tạo trên cơ sở phù hợp với hiện trạng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo chuyên gia, đào tạo về năng suất chất lượng tại các trường đại học, trường đào tạo nghề để xây dựng nguồn nhân lực về năng suất chất lượng; xây dựng mô hình mô hình điểm về năng suất chất lượng để doanh nghiệp học tập và trao đổi kinh nghiệm…

Bà Nguyễn Kim Thanh- Vụ KHTC trao đổi về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn tới 

Bà Vũ Hồng Dân- Trưởng phòng Tư vấn cải tiến Năng suất, Viện Năng suất Việt Nam cũng đã đưa ra một số gói chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp từ Viện trong việc đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực năng suất chất lượng như đào tạo chuyên gia năng suất đạt trình độ quốc tế, tư vấn doanh nghiệp về áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến. Bên cạnh đó, Viện cũng đang phát triển Bộ công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng với công nghiệp 4.0 và nền tảng công nghệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời trong việc nâng cao năng suất chất lượng gắn liền với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, trong Chỉ thị số 07/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ về Giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ông Hà Minh Hiệp- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng. Hiện nay, Viện Năng suất Việt Nam đang triển khai thực hiện dự án này. Ông nhấn mạnh, xây dựng chiến lược nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của mỗi địa phương có vai trò rất quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Theo đó, hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia năng suất có đủ năng lực chuyên môn và kỹ năng, được Tổ chức năng suất châu Á (APO) công nhận sẽ lan tỏa phong trào năng suất tại mỗi địa phương. Đặc biệt, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra những đột phát về năng suất của mỗi địa phương, góp phần vào cải thiện năng suất ở bình diện quốc gia và giúp Việt Nam tận dụng lợi thế của CMCN 4.0 để thu hẹp khoảng cách năng suất với nhiều quốc gia phát triển trong khu vực và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Với mục tiêu triển khai hàng loạt hoạt động theo định hướng mới kể trên, các đại biểu tham dự nhận định doanh nghiệp tại các địa phương như Quảng Ninh và Hải Dương sẽ nhận được nhiều cơ hội và hỗ trợ từ Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, cải thiện hình ảnh, thương hiệu và tính cạnh tranh qua đó khẳng định chỗ đứng của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.

Quang cảnh buổi làm việc tại Sở KHCN tỉnh Quảng Ninh. 

Tham dự buổi làm việc, ông Hoàng Bá Nam- Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh hy vọng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các đơn vị tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ tỉnh trong việc triển khai dự án. Bên cạnh đó, ông cũng mong muốn hợp tác với các đơn vị trong Tổng cục như Viện Năng suất Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về năng suất chất lượng; tham gia dự án quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận quá trình chuyển đổi số nhằm đáp ứng yêu cầu của CMCN lần thứ 4; xác định và đánh giá Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP); xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên thế mạnh và tiềm lực của tỉnh, đặc biệt trong tiềm năng kinh tế biển và khoáng sản. Phía Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cũng mong muốn doanh nghiệp có thêm nhiều chính sách ưu đãi, thông tin hữu ích để doanh nghiệp có thể nắm bắt kịp thời và tham gia các chương trình, dự án hỗ trợ từ Nhà nước.

VNPI