Tin tức

Back

Giải pháp thúc đẩy nâng cao năng lực năng suất quốc gia

Năm 2022, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) đã hỗ trợ chuyên gia để triển khai dự án nghiên cứu, nâng cao năng lực của Tổ chức năng suất quốc gia Việt Nam. Để chia sẻ thông tin nghiên cứu về năng suất trong bối cảnh mới và trao đổi về những giải pháp thúc đẩy nâng cao năng suất quốc gia cũng như nâng cao năng lực của tổ chức năng suất quốc gia, ngày 12/12, Viện Năng suất Việt Nam  đã tổ chức Hội thảo “Các nỗ lực nâng cao năng suất và vai trò của tổ chức năng suất quốc gia – Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế”.

Hội thảo có sự tham dự của TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; TS. Nguyễn Tùng Lâm – Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Năng suất Việt Nam; đại diện các cơ quan của Tổng cục; ông Arsyoni Buana – Phụ trách chương trình, APO; ông Kabir Ahmad Mohd Jamil  – Chuyên gia APO; ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương và đông đảo các đại biểu đến từ nhiều cơ quan, bộ ngành, doanh nghiệp.

TS.  Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, Hội thảo là kết quả của dự án nghiên cứu, trải qua quá trình nghiên cứu nghiêm túc, có sự hỗ trợ hiệu quả của chuyên gia PGS. TS Vũ Minh Khương (ĐH Quốc gia Singapore) và ông Kabir Ahmar Mohd Jamil – Chuyên gia của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO). 

“Năng suất là câu chuyện rất hấp dẫn nhưng ngược lại cũng là câu chuyện rất khó. Đặc biệt, nếu chúng ta không nhìn nhận năng suất một cách khách quan với lực kéo là từ vấn đề thị trường thì sẽ rất khó làm năng suất. Thông qua hội thảo lần này là nơi chia sẻ kết quả nghiên cứu; mong muốn đưa ra các đề xuất, kiến nghị mới về thúc đẩy năng suất với Thủ tướng Chính phủ”, ông Hiệp nhận định và cho rằng: “Chúng ta nhìn nhận vấn đề năng suất không chỉ trên góc độ công cụ nâng cao năng suất, hoặc các giải pháp quản lý. Các góc nhìn như vậy sẽ không kịp thời vì các giải pháp, hệ thống quản lý luôn luôn đi cùng với hiện trạng của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường. Chúng tôi mong muốn nhìn nhận góc độ thúc đẩy năng suất dựa trên các vấn đề về thể chế, làm sao chúng ta có cách thức để rà soát, đánh giá thể chế, cởi trói, tạo không gian, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong nước có thể thúc đẩy nâng cao năng suất.

Ông Hiệp cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ KH&CN tiếp tục làm việc với các bộ ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động thương binh, xã hội thúc đẩy hoạt động đào tạo năng suất trong các trường đại học.

Ông Arsyoni Buana – Phụ trách chương trình, Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) ông Arsyoni Buana – Phụ trách chương trình, APO cho biết, một trong những thông điệp và phương pháp tiếp cận của APO là triển khai các hoạt động và coi đó là động cơ để giúp các quốc gia đang phát triển. Bên cạnh đó, APO cũng mong muốn là một trong những đối tác chính sách của Chính phủ các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam để có thể tăng cường hơn nữa về năng suất, trong bối cảnh rộng hơn, ngoài năng suất còn liên quan đến lao động và các yếu tố khác như chất lượng, phát triển năng lực… đó chính là lý do vì sao APO triển khai tất cả những hoạt động này bởi trong viễn cảnh 2025, APO muốn giúp các quốc gia thành viên đạt được tiến độ về mặt kinh tế, xã hội và xem đó là trụ cột để tiến hành phát triển kinh tế.

 

APO cũng đã có sự kết nối với các bên liên quan trong Kế hoạch phát triển năng lực thể chế cho Tổ chức năng suất quốc gia của Việt Nam, trong kế hoạch này, APO phối hợp với Viện Năng suất Việt Nam và các tổ chức khác với mong muốn hỗ trợ, tăng cường cơ cấu, tăng cường năng lực thể chế để giúp các cơ quan có nhiều năng lực hơn, đảm nhiệm cũng như có trách nhiệm trong vai trò nâng cao năng suất trong nền kinh tế. Bên cạnh kế hoạch tăng cường năng lực thể chế, APO cũng mong muốn có những chiến lược, định hướng để có thể tái cơ cấu ở Việt Nam. “APO kỳ vọng có cơ hội thúc đẩy năng suất của Việt Nam và đưa ra những viễn cảnh, tầm nhìn cho Việt Nam đến năm 2025”, ông Arsyoni Buana nhấn mạnh.

 

TS. Nguyễn Tùng Lâm – Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Năng suất Việt Nam chia sẻ về kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Chia sẻ về kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Năng suất Việt Nam cho biết, trong bối cảnh ngày 11/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 36/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch Tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, một trong những nội dung của Kế hoạch này đó là nâng cao năng lực của Tổ chức năng suất quốc gia Việt Nam. Cũng theo ông Lâm, hiện nay Viện Năng suất Việt Nam và các đơn vị đầu mối của Việt Nam tham gia chương trình đổi mới năng suất châu Á.

Liên quan đến vấn đề đưa năng suất trở thành trọng tâm chính yếu trong nỗ lực thực hiện “Tầm nhìn Việt Nam 2045”, tại Nghị quyết Trung ương ở Đại hội Đảng XIII năm 2021 với mục tiêu rất lớn là năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7% trong một năm tới, GDP bình quân đầu nười theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; Tỷ trọng công nghệ chế biến, chế tạo khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%, tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm và giảm tiêu hao năng lượng tính trên đươn vị GDP ở mức 1-1,5%/năm.

PGS. TS Vũ Minh Khương – Chuyên gia APO, Đại học Quốc gia Singapore chia sẻ tại Hội thảo. 

PGS. TS Khương cũng đã đưa ra 5 lý do cấp bách phải tạo bước đột phá trong tăng năng suất. Trong đó, lý do thứ nhất là năng suất lao động Việt Nam còn rất thấp so với mức bình quân của khu vực và thế giới, năng suất lao động thấp là vì ở các ngành có nhiều lao động có năng suất lao động thấp. Lý do thứ hai là nhịp độ tăng năng suất lao động của Việt Nam trong 30 năm qua khá cao nhưng còn thấp so với tiềm năng và các nền kinh tế xuất sắc. Lý do thứ ba là dân số già, thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sắp hết và Việt Nam sẽ thuộc nhóm các nước có dân số già sau 3 thập kỷ tới. Lý do thứ tư là hiệu quả khai thác nguồn lực và cơ hội còn thấp ở ngành công nghiệp chế tạo. Lý do thứ năm là mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 là rất cao, chỉ có thể thực hiện nếu có bước tiến vượt bậc trong nỗ lực nâng cao năng suất lao động trong các năm tới.

Chia sẻ thêm về các thách thức cản trở tăng năng suất ở Việt Nam, PGS. TS Khương đã đưa những thách thức như Việt Nam thiếu một chiến lược hiệu lực để thúc đẩy tăng năng suất, bên cạnh đó, Việt Nam thiếu một thiết chế có đủ quyền hạn và nguồn lực để chịu trách nhiệm thúc đẩy tăng năng suất và khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa hiệu quả.

Ông Kabir Ahmad Mohd Jamil  – Chuyên gia APO tham luận về thúc đẩy năng suất quốc gia – Kinh nghiệm của Malaysia

Trong khuôn khổ Hội thảo, tham luận về thúc đẩy năng suất quốc gia – Kinh nghiệm của Malaysia, ông Kabir Ahmad Mohd Jamil  – Chuyên gia APO cho biết năng suất của Malaysia thấp so với các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, xếp hạng năng suất quốc tế của Malaysia ít cải thiện, xếp hạng thứ 45 trên 63 nước và nếu năng suất giữ nguyên, Malaysia có thể mất xấp xỉ 120 tỷ RM giá trị gia tăng, chính vì những lý do trên mà Malaysia đã đưa ra Kế hoạch năng suất quốc gia Malaysia lần thứ 11 (2016-2020) với mục tiêu là năng suất lao động đạt mức tăng trưởng 3,7%/năm.

Theo ông Kabir năng suất phải được giải quyết một cách tổng thể và song song – ở cấp quốc gia, ngành và doanh nghiệp, đảm bảo một sự thay đổi mang tính hệ thống trong toàn bộ nền kinh tế, đó là sự khác biệt so với những nỗ lực rời rạc trước đây nhằm nâng cao năng suất. Malaysia phải thúc đẩy tăng trưởng năng suất theo cách đạt hiệu quả cao hơn từ nguồn lực, đổi mới cũng như từ những thực hành tốt hơn như vận hành hoàn hảo. Ông Kabir cũng đưa ra 5 thách thức năng suất của Malaysia đó là nhân lực, công nghệ, cơ chế khuyến khích, môi trường kinh doanh và tư duy năng suất.

Ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sả tại Hội nghị

Chia sẻ về Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu ra mục tiêu phát triển của Chương trình đến 2030 là NSLĐ là động lực, nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững; Trên cơ sở tận dụng hiệu quả các cơ hội của CMCN4.0, chuyển đổi số; Thông qua thúc đẩy liên kết vùng và phát triển vùng; Gia tăng khả năng cạnh tranh, mức độ độc lập, tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế. Chỉ tiêu cụ thể là: Tốc độ tăng NSLĐ bình quân từ 6,5- 7,0%/năm; Tốc độ tăng NSLĐ của vùng KTTĐ và 05 TP lớn cao hơn trung bình cả nước; Nâng cao tỷ trọng đóng góp của KHCN, ĐMST; Trong nhóm hàng đầu của ASEAN về tốc độ tăng NSLĐ vào 2030; Năng lực ĐMST thuộc nhóm 40 nước; chính phủ điện tử thuộc Nhóm 60 nước đầu.

Về định hướng và giải pháp là thúc đẩy NSLĐ của các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng dựa trên hạ tầng kết nối, cơ chế đặc thù, phân cấp quản lý; Thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới (bao gồm công nghệ số) và phát huy đổi mới sáng tạo để tăng NSLĐ; Đẩy nhanh quá trình chính thức hóa hoạt động kinh tế ở khu vực phi chính thức; Nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách về NSLĐ quốc gia giai đoạn 2026 – 2030 để thúc đẩy và điều phối xử lý các vấn đề liên ngành đối với NSLĐ.

Các đại biểu, diễn giả tham dự hội nghị.

 Tin và ảnh: https://tcvn.gov.vn và Viện Năng suất Việt Nam