Tin tức

Back

Hệ thống quản lý an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp theo tiêu chuẩn ISO 45001 – Những thay đổi chính

Mỗi ngày, hàng ngàn trường hợp tử vong do tai nạn lao động hoặc mắc bệnh hiểm nghèo do công việc. Những rủi ro này có thể và cần phải được ngăn chặn hoàn toàn trong tương lai. ISO 45001 nhằm mục tiêu giúp các tổ chức/doanh nghiệp làm được điều đó.

ISO 45001 xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001 nhưng đây thực sự vẫn là một tiêu chuẩn mới và khác biệt, không phải là bản sửa đổi hay cập nhật và sẽ thay thế OHSAS 18001 trong ba năm tới.

Trong quá trình làm việc, từ nhân viên đến nhà quản lý hay chủ doanh nghiệp đều có chung một mục tiêu là không muốn xảy ra bất cứ tai nạn nào. Năng suất lao động được cải thiện bắt đầu từ việc đảm bảo cho người lao động được làm việc trong môi trường minh bạch và xây dựng sự tin cậy trong suốt quá trình vận hành và chuỗi cung ứng. Hơn nữa, trách nhiệm này ngày càng trở nên quan trọng đối với các thương hiệu và danh tiếng của doanh nghiệp.
 
ISO 45001 là tiêu chuẩn mới về an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO. Đây là một trong các tiêu chuẩn được mong đợi nhất trên thế giới và được thiết lập để cải thiện đáng kể mức độ an toàn nơi làm việc.
 
ISO 45001 sẽ trở thành một phần của tiêu chuẩn kinh doanh và các doanh nghiệp cần phải theo kịp những yêu cầu về cải thiện mức độ an toàn nơi làm việc mới dù tổ chức có lựa chọn áp dụng ISO 45001 hay không. 
 
K. Glaesel, Chủ tịch ISO/PC 283 - nhóm công tác chịu trách nhiệm phát triển tiêu chuẩn ISO 45001 và C. Corrie, Thư ký ISO/PC 283, Hệ thống quản lý an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp cung cấp các thông tin, hướng dẫn liên quan đến tiêu chuẩn ISO 45001 như sau đây. 
 
ISO 45001 là gì?
ISO 45001 là một cột mốc quan trọng! Là tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên trên thế giới về sức khoẻ và an toàn trong công việc, ISO 45001 Yêu cầu và hướng dẫn sử dụng - Hệ thống quản lý an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp cung cấp một cấu trúc rõ ràng cho tất cả các tổ chức muốn cải thiện hiệu quả vấn đề an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.

Tiêu chuẩn này tập trung vào vai trò của lãnh đạo cao nhất và nhằm cung cấp một nơi làm việc an toàn, lành mạnh cho người lao động. Để đạt được điều này, điều quan trọng là kiểm soát tất cả các yếu tố có thể gây ra bệnh tật, thương tích và cả trường hợp xấu nhất là tử vong bằng cách giảm những tác động bất lợi đến tình trạng thể chất, tinh thần và nhận thức của mỗi người. ISO 45001 đề cập tới tất cả các khía cạnh đó.
 
Mặc dù ISO 45001 xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001 nhưng đây thực sự vẫn là một tiêu chuẩn mới và khác biệt, không phải là bản sửa đổi hay cập nhật và sẽ thay thế OHSAS 18001 trong ba năm tới. Do đó, các doanh nghiệp cần thay đổi suy nghĩ cũng như thực hành hiện tại để duy trì sự phù hợp về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của tổ chức.

Những điểm khác biệt chính giữa OHSAS 18001 và ISO 45001?
 
Có nhiều điểm khác biệt giữa OHSAS 18001 và ISO 45001, nhưng thay đổi chính đó là ISO 45001 tập trung vào sự tương tác giữa tổ chức và môi trường kinh doanh của họ, trong khi đó OHSAS 18001 tập trung vào việc quản lý các mối nguy hiểm về an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và các vấn đề nội bộ khác.

Hai tiêu chuẩn này cũng có nhiều điểm khác nhau khác như:
• ISO 45001 dựa trên quá trình - OHSAS 18001 dựa trên qui trình/thủ tục;
• Các yêu cầu tiêu chuẩn ISO 45001 đều linh hoạt - OHSAS 18001 thì không;
• ISO 45001 xem xét cả nguy cơ và cơ hội - OHSAS 18001 chỉ đề cập tới rủi ro;
• ISO 45001 bao gồm quan điểm của các bên liên quan - OHSAS 18001 thì không. Với tiêu chuẩn ISO 45001, doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc các vấn đề an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp và xem xét mong đợi của các bên liên quan;
• Một số doanh nghiệp áp dụng OHSAS 18001 và giao phó trách nhiệm giám sát an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp cho người quản lý an toàn hơn là tích hợp vào hoạt động của doanh nghiệp một cách hệ thống. ISO 45001 đòi hỏi sự kết hợp các khía cạnh về sức khoẻ và an toàn trong hệ thống quản lý tổng thể của doanh nghiệp, do đó lãnh đạo cao nhất có vai trò mạnh mẽ hơn đối với vấn đề này.
 
Những điểm trên cho thấy sự thay đổi đáng kể trong nhận thức về cách thức quản lý sức khoẻ và an toàn lao động. An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp không còn là vấn đề "đơn lẻ", phải được xem xét trong quá trình vận hành và sự bền vững của tổ chức. Mặc dù hai tiêu chuẩn khác nhau trong cách tiếp cận, một hệ thống quản lý được xây dựng theo OHSAS 18001 là một nền tảng thuận tiện để chuyển đổi sang ISO 45001.
 
Với tổ chức đã được chứng nhận OHSAS 18001, chuyển đổi sang ISO 45001 như thế nào?
Khi chuyển đổi, doanh nghiệp cần phải "chuẩn bị nền tảng" trước khi hệ thống quản lý mới được thiết lập như sau:
1. Tiến hành phân tích về các bên liên quan (ví dụ, cá nhân hoặc tổ chức có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp) cũng như các yếu tố bên trong và bên ngoài có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, sau đó tự xem xét những rủi ro này có thể được kiểm soát thông qua hệ thống quản lý của tổ chức không.
2. Xác định phạm vi của hệ thống.
3. Sử dụng thông tin này để thiết lập các quá trình của tổ chức, đánh giá rủi ro và quan trọng nhất là để thiết lập những chỉ số hoạt động chính (KPIs) cho các quy trình.
 
Trường hợp chưa tiếp cận nhiều với tiêu chuẩn ISO 45001, chúng tôi cần làm gì?  
Câu trả lời phụ thuộc vào mức độ hiểu biết về các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn của ISO. ISO 45001 sủ dụng Phụ lục SL, do đó sử dụng chung cấu trúc cấp cao (HLS), các văn bản, thuật ngữ và định nghĩa với các tiêu chuẩn hệ thống quản lý của ISO đã được sửa đổi gần đây như hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2015 và hệ thống quản lý môi trường ISO 14001: 2015. Nếu tổ chức của bạn đã áp dụng các hệ thống quản lý này, cấu trúc của ISO 45001 cũng tương tự và tổ chức của bạn chỉ cần đưa ra những nội dung liên quan đến an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp trong hệ thống.
 
Trường hợp chưa tiếp cận hoặc rất ít, việc hiểu tiêu chuẩn không dễ như đọc một cuốn sách bình thường. Bạn phải nhận ra sự kết nối giữa các điều khoản trong tiêu chuẩn. Vì vậy, tốt nhất bạn nên tham gia một khóa đào tạo hoặc sử dụng dịch vụ tư vấn để hỗ trợ triển khai áp dụng.
 
Làm thế nào để tích hợp ISO 45001 với các hệ thống quản lý của tổ chức như ISO 9001 và ISO 14001?
Cấu trúc chung của tiêu chuẩn ISO (HLS nói trên) về hệ thống quản lý đã được phát triển nhằm tạo điều kiện cho việc tích hợp các khía cạnh quản lý mới vào hệ thống quản lý hiện có của một tổ chức. Ví dụ, tiêu chuẩn ISO 45001 được phát triển dựa khá chặt chẽ với ISO 14001 bởi chúng tôi biết rằng nhiều tổ chức kết hợp khía cạnh an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp và khía cạnh môi trường.
 
ISO 45001 được sử dụng như thế nào?
Tiêu chuẩn ISO 45001 được dự đoán sẽ được hầu hết các tổ chức sử dụng để thiết lập một hệ thống quản lý an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp hiệu quả nhưng chỉ một số cần được chứng nhận. Việc xây dựng và duy trì hệ thống quản lý một cách hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức. Chứng chỉ đơn giản chỉ là một bằng chứng bổ sung, chứng minh với các đối tác bên ngoài.
 
Tiêu chuẩn yêu cầu các rủi ro an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp phải được giải quyết và kiểm soát, đồng thời cũng dựa trên phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro để đảm bảo tính hiệu quả và được cải tiến liên tục để đáp ứng "bối cảnh" luôn thay đổi của tổ chức. Hơn nữa, ISO 45001 luôn đảm bảo tuân thủ pháp luật hiện hành trên toàn thế giới. Các biện pháp này kết hợp lại có thể giúp thiết lập hình ảnh của một tổ chức là "nơi an toàn để làm việc", mang lại nhiều lợi ích quan trọng, từ việc giảm chi phí bảo hiểm để nâng cao tinh thần nhân viên - trong khi vẫn tiếp tục đáp ứng các mục tiêu chiến lược của tổ chức.

 

VNPI- Nguyễn Phương Mai

Biên dịch – Nguồn: https://www.iso.org/