Tin tức

Back

Mô hình cải tiến năng suất chất lượng tại Công ty Cổ phần 26

Chọn lĩnh vực sản xuất giày da để tham gia dự án Mô hình năng suất tổng thể do Bộ Công Thương hỗ trợ, chỉ sau 3 tháng, Công ty Cổ phần 26 đã nhận quả ngọt của quá trình cải tiến.

Thành lập năm 1978, tiền thân là một xưởng quân dụng chuyên sản xuất mũ cứng, qua nhiều lần đổi mới, tái cơ cấu, tháng 12/2006, đơn vị chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi Công ty Cổ phần 26, chuyên sản xuất các sản phẩm giày da, giày vải; sản phẩm may mặc; và sản xuất gỗ công nghiệp.

Với quân số chỉ có gần 200 CBCNV, đến nay công ty đã có gần 1000 CBCNV và công nhân lao động với 4 phòng nghiệp vụ và 4 xí nghiệp thành viên, chuyên sản xuất kinh doanh nhiều mặt hàng phục vụ bộ đội và đời sống dân sinh với doanh thu hàng năm hơn 200 tỷ đồng và ngày một tăng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của người lao động luôn được giữ vững và không ngừng cải thiện, hài hoà với lợi ích của nhà đầu tư. Truyền thống của công ty được đúc kết hơn qua 30 năm xây dựng và phát triển là Đoàn kết - Vượt khó - Sáng tạo.

Với sứ mệnh “Tạo ra những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thẩm mỹ và chất lượng. Phát triển sản xuất và kinh doanh các mặt hàng kinh tế dân sinh và các sản phẩm đặc thù trong quân đội và xã hội hóa công tác sản xuất Quốc phòng”, Công ty Cổ phần 26 nói chung và Xí nghiệp 26.3 nói riêng không ngừng cải tiến kỹ thuật, công nghệ để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, kiểu dáng đẹp, giá cả hợp lý, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, các cấp lãnh đạo luôn coi trọng sáng kiến, ý tưởng cải tiến, tối ưu hóa quá trình sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Định hướng của công ty CP 26: “Trở thành Công ty hàng đầu trong các lĩnh vực Công ty tham gia là sản xuất giầy, may mặc và đồ gỗ.”

- Không ngừng cải tiến kỹ thuật, công nghệ để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, kiểu dáng đẹp, giá cả hợp lý.

- Luôn coi trọng sáng kiến, cải tiến hợp lý hóa trong sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Thực hiện định hướng trên, xí nghiệp sản xuất giày da cam kết mang đến cho khách hàng sự hài lòng bằng chất lượng sản phẩm vượt trội với sự phục vụ chuyên nghiệp. Thông qua:

  • Chất lượng đảm bảo
  • Giá cả hợp lý
  • Phục vụ tận tâm
  • Giao hàng đúng hẹn

Để thực hiện các cam kết trên các trụ cột quan trọng bao gồm:

  1. Luôn lắng nghe ý kiến khách hàng để thấu hiểu và đáp ứng
  2. Cải tiến công nghệ và thiết bị làm nền tảng tạo chất lượng ổn định và đáp ứng các tính năng mới của sản phẩm;
  3. Tối ưu hóa vận hành nhằm giảm thiểu lãng phí và gia tăng giá trị;
  4. Thường xuyên cập nhật tri thức và các công nghệ quản trị tiên tiến để cải tiến liên tục hệ thống quản lý sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng;
  5. Xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, năng động và sáng tạo.

Năm 2019-2020, Công ty đã xây dựng mô hình nâng cao năng suất tổng thể để tương xứng tầm nhìn đặt ra là “Trở thành Công ty hàng đầu trong các lĩnh vực Công ty tham gia là sản xuất giày, may mặc và đồ gỗ”.

Mô hình TPI của Công ty Cổ phần 26

Công ty thực hiện một chiến lược nâng cao năng suất dựa trên năm trụ cột: (1) Phát triển doanh nghiệp định hướng khách hàng, (2) Công nghệ và thiết bị, (3) Quản lý sản xuất, (4) Không ngừng giảm lãng phí và (5) Phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực làm việc với sự tham gia của tất cả các CBNV. Áp dụng triển khai tại Xưởng Giày da - Xí nghiệp 26.3 với các nội dung sau:

* Chiến lược năng suất

- Xác định tầm nhìn, chiến lược;

- Xây dựng mục tiêu cải tiến năng suất;

- Triển khai các chỉ tiêu điểm tại Xí nghiệp X26.3 trong năm 2020 sau đó nhân rộng toàn công ty;

- Chương trình truyền thông nội bộ về năng suất để huy động sự tham gia của toàn thể CBNV vào các hoạt động cải tiến năng suất.

* Trụ cột “Phát triển doanh nghiệp định hướng khách hàng”

- Xác định yêu cầu trọng yếu của khách hàng, đánh giá khả năng đáp ứng hiện tại và so sánh đối thủ.

- Xây dựng quy trình xử lý phản hồi của khách hàng;

- Triển khai giải pháp cải tiến để nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu khách hàng.

- Thu thập thông tin phản hồi của khách hàng.

* Trụ cột “Công nghệ và thiết bị”

- Lựa chọn máy móc thiết bị chính quyết định năng suất và chất lượng

- Cải tiến và đổi mới thiết bị công nghệ;

- Đào tạo và phát triển đội ngũ và ứng dụng giải pháp cải tiến thiết bị để nâng cao chỉ số hiệu suất thiết bị tổng thể OEE.

* Trụ cột “Quản lý sản xuất”

- Chuẩn hóa quá trình sản xuất (Thiết lập sơ đồ quá trình kinh doanh): Qui trình sản xuất; Kế hoạch chất lượng; các hướng dẫn;

- Quản lý chất lượng: Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; Đánh giá, theo dõi; Giải quyết vấn đề chất lượng nhằm giảm tỷ lệ hàng lỗi;

- Xây dựng môi trường làm việc an toàn, khoa học theo nguyên tắc 5S 3D;

- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phân công và giao việc;

- Kiểm soát quá trình bằng thống kê, theo dõi và phân tích dữ liệu;

- Cải tiến hiện trường: layout, cân bằng chuyền sản xuất,…

- Hoạch định sản xuất (Thiết lập sơ đồ chuỗi giá trị - theo thuyết minh);

- Thiết lập hệ thống sản xuất kéo;

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành sản xuất (ERP).

* Trụ cột “Không ngừng giảm lãng phí”

- Tạo tư duy giảm lãng phí (các hoạt động tuyên truyền thông qua poster, tuyên truyền, đào tạo nội bộ)

-Triển khai dự án cải tiến giảm lãng phí.

* Trụ cột “Phát triển nguồn nhân lực, Tạo động lực làm việc”

- Áp dụng mô hình Đào tạo trong công nghiệp (TWI)

- Khảo sát sự hài lòng của nhân viên;

- Khuyến khích sự tham gia đóng góp ý kiến cải tiến của người lao động

Sau quá trình khảo sát kỹ càng và cam kết của Công ty về việc quyết tâm triển khai dự án tại Xí nghiệp 26.3, các tư vấn viên đã tiến hành lập kế hoạch cải tiến với các mục tiêu cụ thể, bao gồm các chỉ tiêu kinh tế trong năm 2020 sẽ tăng 10-15%, đặc biệt, số lượng sáng kiến cải tiến được đưa vào áp dụng đạt tỉ lệ trên 30%, đồng thời 100% đơn hàng được giao đúng tiến độ. Doanh thu ngành giầy phấn đấu đạt 230 tỷ đồng. Năng suất lao động tăng 15-20%. Chất lượng sản phẩm được giữ vững. Với mục tiêu này, Xí nghiệp cùng với Viện Năng suất Việt Nam đã lập ra 5 nhóm cần cải tiến:

* Nhóm 1: Cải tiến hiệu quả sử dụng thiết bị và công nghệ;

* Nhóm 2: Cải tiến quá trình sản xuất;

* Nhóm 3: Nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ;

* Nhóm 4: Nhận biết và giảm các lãng phí trong sản xuất.

* Nhóm 5: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý

Các nhóm cải tiến được hỗ trợ đào tạo kiến thức, phương pháp và huấn luyện kỹ năng cải tiến năng suất, chất lượng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt từ Tổ trưởng tổ sản xuất trở lên. Đồng thời xây dựng môi trường làm việc an toàn và khuyến khích các hoạt động cải tiến, đổi mới và sáng tạo. Sau 06 tháng triển khai áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất trên toàn bộ các trụ cột, công ty thu được các kết quả bước đầu như sau:

Ông Nguyễn Việt Hải – Giám đốc Xí nghiệp 26.3 không giấu được sự phấn khởi cho biết: “Tuy mới triển khai mô hình năng suất tổng thể được hơn 3 tháng nhưng kết quả chúng tôi đạt được rất khả quan. Hiện tại, năng suất lao động Xưởng May đã tăng 10-15%, kỳ vọng kết thúc dự án có thể đạt 20%. Trong các nhóm cần cải tiến, nhóm 2 và nhóm 4 đạt hiệu quả cải tiến tốt nhất do đây đang là những khâu yếu của Xí nghiệp nhưng chưa có chuyên gia sâu về lĩnh vực này. Vì vậy, khi có sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn thì kết quả đạt được như mong đợi.

Mặt khác để có được kết quả này, ngoài sự tận tình nhiệt huyết của đội ngũ tư vấn cùng với sự chỉ đạo quyết liệt từ Ban lãnh đạo Công ty, Xí nghiệp 26.3 cũng hết sức chủ động trong việc triển khai sắp xếp lại nhà xưởng, đề nghị đầu tư dây chuyền sản xuất giầy da tinh gọn để rút ngắn thời gian chế thử mẫu sản phẩm, thực hiện các đơn hàng nhỏ lẻ một cách nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của khách hàng về chất lượng, tiến độ.

Ngoài ra, Xí nghiệp cũng tái cấu trúc bộ máy quản lý theo hướng tinh gọn để phù hợp với mô hình sản xuất mới, đòi hỏi tính linh loạt cao để thực hiện các đơn hàng dân sinh. Vì vậy, Xí nghiệp đã sắp xếp lại các khu vực sản xuất như khu vực trước kia dùng làm kho, nay được cải tạo lại để đặt 4 dây chuyền may giày da và giày vải ngay tại xưởng, tạo thuận lợi cho kế hoạch sản xuất. “Nếu như trước kia, bất kỳ sự thay đổi nào về nhân sự đều phải thông qua Giám đốc Xí nghiệp đồng ý bằng văn bản, thì nay, mỗi ngày, Xưởng trưởng có thể tự điều chuyển dựa trên yêu cầu thực tế trên mỗi chuyền sản xuất. Do đó, các mệnh lệnh được thực hiện nhanh gọn, chính xác, hiệu quả rất cao”, ông Hải chia sẻ.

Việc đầu tư thêm 01 chuyền sản xuất giày hiện đại, phục vụ các đơn hàng nhỏ lẻ, chứng minh mức độ sẵn sàng của Xí nghiệp trong việc chinh phục các khách hàng tiềm năng ngoài quân đội. “Với sự thay đổi này, chúng tôi đã đưa tất cả cơ sở vật chất lẫn con người của mình hòa vào một dòng chảy thống nhất, với mục tiêu cao nhất là năng suất và chất lượng đỉnh cao” – ông Hải cho biết thêm.

Chia sẻ về những thay đổi khi tham gia Dự án Mô hình năng suất tổng thể do Bộ Công Thương hỗ trợ, ông Nguyễn Duy Thành – Trưởng ban Nghiệp vụ của Xí nghiệp cũng cho biết, với sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn, đội ngũ cán bộ, người lao động đã được đào tạo những kỹ năng mà từ trước chưa có, hoặc chưa tạo thành thói quen. Nhờ đó, anh chị em nâng cao được năng suất lao động mà sức lực bỏ ra lại ít hơn, lương thưởng cũng được cải thiện. Có nhiều anh chị em tiếp cận với máy mới còn cảm thấy khó khăn, ngại thay đổi, nhưng sau khi quen lại cảm thấy không thể trở lại chiếc máy cũ được. Đó chính là tư duy cũ đã được thay đổi, làm quen với những yêu cầu mới và rất cụ thể của việc cải tiến.

Qua quá trình triển khai, công ty cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm để triển khai thành công các hoạt động cải tiến cần:

- Lãnh đạo luôn đóng vai trò quan trọng trong cải tiến, tuy nhiên để thành
công cần quan tâm và huy động sự tham gia của các cấp lãnh đạo trong đó lãnh
đạo cấp trung gian, các tổ trưởng cũng có vai trò quyết định triển khai thành công và hiệu quả dự án cải tiến và duy trì sau này. Những người là thành viên ban chỉ đạo dự án, quản lý các quá trình chính liên quan đến phạm vi triển khai các dự án cải tiến điểm, để họ thực sự tham gia vào dự án, tránh tình trạng Ban chỉ đạo dự án chỉ là hình thức;

- Xây dựng và hình thành cơ cấu tổ chức phù hợp cho việc triển khai và
duy trì hoạt động cải tiến;

- Phân công rõ ràng trách nhiệm trong ban chỉ đạo cũng như thành viên đội dự án. Có chế độ họp, xem xét dự án và trao đổi thông tin cụ thể;

- Lựa chọn khu vực/dây chuyền điểm để triển khai, đồng thời lựa chọn đúng vấn đề cần giải quyết (dự án điểm) là quan trọng hơn cả, sau đó lựa chọn đúng người thực hiện (nhóm dự án) rồi mới đến sử dụng công cụ, kỹ thuật nào để giải quyết. Cơ cấu nhóm khoảng 5-7 người;

- Các công việc nên bắt đầu từ những điểm nút thắt, tìm kiếm những giải pháp thực tế để giải quyết vấn đề ngay và cho thấy được kết quả nhìn thấy để huy động được mọi người tham gia;

- Việc thực hiện giảng dạy, đào tạo theo hướng chỉ dẫn trực tiếp và tăng cường thực hành thay vì đào tạo lý thuyết;

- Khen thưởng phải công minh và kịp thời;

Với kết quả khả quan này, công ty cam kết sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động của dự án để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời làm cơ sở để Công ty Cổ phần 26 nhân rộng, triển khai đến các Xí nghiệp thành viên khác trong toàn hệ thống./.

VNPI