Cách mạng 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội để các tổ chức/doanh nghiệp kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức về tiềm lực cơ sở vật chất, chiến lược phát triển của tổ chức/doanh nghiệp, trình độ và tay nghề của người lao động. Để bắt kịp và hòa nhập vào cuộc cách mạng 4.0, các tổ chức/doanh nghiệp cần xác định hiện trạng, đổi mới trình độ quản trị doanh nghiệp, đảm bảo sẵn sàng cơ sở nền tảng để “hấp thụ” làn sóng công nghệ mới.
Chuyên gia Viện Năng Suất Việt Nam dựa trên tham khảo các nghiên cứu đánh giá của các tổ chức trên thế giới đã nghiên cứu và phát triển bộ công cụ đánh giá ViPA (Vietnam Innovation Productivity Assessment) nhằm giúp các tổ chức/doanh nghiệp xác định hiện trạng, những vấn đề cần cải tiến; giúp doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuyển đổi sang sản xuất thông minh, thực hiện việc kết nối thông tin và tối ưu hóa để tạo điều kiện đưa các sản phẩm ra thị trường một cách nhanh nhất với chi phí rẻ nhất.
Bộ công cụ được xây dựng dựa trên bốn trụ cột chính:
- Quản lý doanh nghiệp
- Quản lý năng suất
- Nền tảng cơ sở vật chất cho chuyển đổi số
- Sản xuất thông minh
Mỗi trong trụ cột này được chia thành 04 nội dung sâu hơn, lần lượt được đánh giá bằng 16 chỉ số thích hợp. 16 chỉ số này tạo thành cơ sở để đo mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp với chuyển đổi số và sản xuất thông minh.
Tổng quan về cấu trúc Bộ công cụ ViPA
Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 5 cấp độ (1 đến 5) bao gồm các yêu cầu tối thiểu phải được đáp ứng để hoàn thành cấp độ. Cấp độ 1 mô tả những những doanh nghiệp không làm gì hoặc rất ít/chưa có nền tảng gì để chuẩn bị cho chuyển đổi số. Cấp độ 5 mô tả những doanh nghiệp thực hành tốt nhất - những doanh nghiệp đã thực hiện thành công tất cả các hoạt động của doanh nghiệp chuyển đổi số. Cấp độ 5 của mô hình cũng mô tả trạng thái thực hiện đầy đủ tầm nhìn mục tiêu - khi toàn bộ chuỗi giá trị được tích hợp trong thời gian thực và có thể tương tác với nhau.
Tầm nhìn I4.0 và lộ trình để đạt được tầm nhìn này sẽ khác nhau đối với mỗi tổ chức/doanh nghiệp. Không phải mọi tổ chức/ doanh nghiệp đều có tham vọng ngắn hạn là thực hiện tầm nhìn, mục tiêu đầy đủ của công nghiệp 4.0. Các tổ chức sẽ xác định các mục tiêu trung, dài hạn và ngắn hạn dựa trên nền tảng và hiện trạng. Vì lý do này, mô hình cho phép phân biệt rõ ràng bởi các khía cạnh đã nói ở trên, tạo nền tảng thiết lập lộ trình chuyển đổi phù hợp cho mỗi tổ chức/doanh nghiệp.
Năm 2020, Viện Năng suất Việt Nam được Bộ Khoa học Công nghệ giao làm đầu mối triển khai dự án "Hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng năng suất trong và sau dịch COVID-19 thông qua hướng dẫn thực hành các giải pháp cải tiến năng suất, chất lượng dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin”. Bộ công cụ ViPA được đưa vào sử dụng để hỗ trợ đánh giá, khảo sát thực trạng tổ chức/doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp tự thực hiện việc đánh giá online theo 16 tiêu chí dựa trên 04 trụ cột cơ bản tại địa chỉ: http://vipa.vnpi.vn/. Trong trường hợp doanh nghiệp cần tìm hiểu sâu hơn về các tiêu chí, chuyên gia của Viện Năng suất sẽ tiến hành đánh giá trực tiếp tại doanh nghiệp theo 64 tiêu chí và tư vấn cho doanh nghiệp về lộ trình tiến tới chuyển đổi số và sản xuất thông minh. Hiện nay, có khoảng gần 300 doanh nghiệp đã tự thực hiện đánh giá thông qua Bộ công cụ ViPA. Kinh phí việc đánh giá và tư vấn giải pháp cho tổ chức/ doanh nghiệp đang được hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ .
Dựa trên việc đánh giá theo 64 tiêu chí, điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp sẽ được nhìn nhận theo một số khía cạnh như: nguồn nhân lực, nền tảng cơ sở vật chất, hiệu quả của việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, hay hoạt động đổi mới sáng tạo…
Biểu đồ radar của 16 khía cạnh đánh giá theo ViPA tại 01 doanh nghiệp
Trên cơ sở đó, các chuyên gia tư vấn sẽ khuyến nghị để doanh nghiệp cải tiến và khắc phục để đạt được mục tiêu đề ra.
Cách mạng 4.0 đang ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn cầu. Vậy, cách mạng 4.0 mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp? Doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu? Cơ hội của doanh nghiệp?... Theo đó, ViPA được kỳ vọng là công cụ hữu ích để giúp doanh nghiệp trả lời những câu hỏi trên, đồng thời xác định vị trí của mình trong quá trình chuyển đổi số, khả năng duy trì lợi thế cạnh tranh và mức độ sẵn sàng cho sản xuất thông minh.
VNPI