Tin tức

Trở về

Bứt phá năng suất dựa trên KHCN, ĐMST – Hướng đi cho doanh nghiệp Việt

Mới đây, Viện Năng suất Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Bứt phá về năng suất dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Hướng đi chiến lược cho doanh nghiệp Việt Nam”.

Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu sống còn để doanh nghiệp cải thiện năng suất lao động và phát triển trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Để nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng thích ứng và bắt nhịp với sự chuyển đổi mạnh mẽ của công nghệ, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. 

Ngày 11/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 36/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, một trong những mục tiêu quan trọng hướng tới là thúc đẩy các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu xây dựng mô hình điểm, dẫn dắt hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giúp giảm lãng phí, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực đầu tư, tạo ra thêm việc làm mới, thị trường mới để góp phần nâng cao năng suất của quốc gia, ngành, địa phương.

Với sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm thực tế về xây dựng định hướng chiến lược, nghiên cứu về tăng năng suất, Viện Năng suất Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Bứt phá về năng suất dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Hướng đi chiến lược cho doanh nghiệp Việt Nam” nhằm cung cấp thông tin, kinh nghiệm thực tế của quốc tế và trao đổi để góp phần tìm ra hướng đi phù hợp cho các doanh nghiệp Việt Nam. 

TS. Nguyễn Tùng Lâm – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Năng suất Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tùng Lâm – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Năng suất Việt Nam cho biết, Viện Năng suất Việt Nam với tư cách là cơ quan năng suất quốc gia muốn dẫn dắt phong trào năng suất Việt Nam phù hợp với nhu cầu của xã hội, của thế giới, để từ đó nâng cao được sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

PGS. TS. Vũ Minh Khương – Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore

Cũng trong khuôn khổ hội thảo PGS. TS. Vũ Minh Khương – Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore đã có những chia sẻ về thúc đẩy sức cạnh tranh và tăng năng suất trong các ngành kinh tế trụ cột: Hướng đi chiến lược, kinh tế quốc tế và bài học cho Việt Nam.

Theo TS Vũ Minh Khương - Đại học quốc gia Singapore, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực vươn lên sau đại dịch, và có điểm tựa về năng suất để tăng sức bật lên sau đại dịch. Các doanh nghiệp cũng đã có những chuyển động rất mạnh, và có ý thức về năng suất, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và hội nhập với thế giới. Như vậy, rõ ràng có thể thấy, quý II của Việt Nam sau khi đại dịch cơ bản đã được kiểm soát, tăng trưởng rõ ràng hơn lên 7, 2% về năng suất. Đây được xem là dấu hiệu đáng mừng, để Việt Nam có thể trở thành nước phát triển cao trong những thập kỷ tiếp theo.

Cũng theo TS. Khương, để giải bài toán năng suất hiện nay là một vấn đề tương đối khó, theo nghiên cứu, năng suất nằm trên hai trục, trục đứng thường là năng lực, nguồn lực và nỗ lực, còn chiều ngang là thực lực. Tuy nhiên, với tình thế hiện nay chỉ dồn sức vào chiều đứng mà không để ý tới chiều ngang thì sự kết hợp sẽ không đủ lớn và không đúng theo xu thế của thời đại.

PGS. TS.  Nguyễn Đăng Minh, Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị công nghệ, Viện Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, kiêm Chủ tịch Viện Quản trị tinh gọn GKM, Công ty TNHH GKM Việt Nam 

Trong khuôn khổ hội thảo, chia sẻ về việc đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất trong các doanh nghiệp, PSG. TS. Nguyễn Đăng Minh, Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị công nghệ, Viện Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, kiêm Chủ tịch Viện Quản trị tinh gọn GKM, Công ty TNHH GKM Việt Nam cho rằng, Việt Nam phải đổi mới sáng tạo khoa học quản trị, cách thức quản trị con người để phù hợp với thực tiễn, bên cạnh đó là đổi mới khoa học giáo dục để đưa nội dung vào suy nghĩ của con người một cách bài bản từ đó hướng đến sự phát triển lâu dài. Ngoài ra, trong đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần quan tâm chú trọng đến “made in Việt Nam”, “made by Việt Nam”. Làm được sản phẩm phù hợp với Việt Nam và phải có giáo dục, khoa học xã hội nước nhà.

“Doanh nghiệp Việt Nam luôn cần hướng tới sản phẩm chủ lực của người Việt là gì, cần tìm được những thứ mạnh made by Việt Nam. Chính vì vậy, đổi mới sáng tạo rất cần thiết để có thể tăng năng suất”, ông Minh nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã có những trao đổi về chiến lược nâng cao năng suất, thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với chiến lược phát triển và tăng trưởng bền vững của những doanh nghiệp dẫn đầu về sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp và một số Tập đoàn, doanh nghiệp điển hình của Việt Nam.

Nguồn tin bài vả ảnh: tcvn.gov.vn và VNPI