Năng suất xanh tại thôn Vĩnh Phú, xã Hoài An, tỉnh Phú Yên

Sơ lược về địa phương

Hoà An là một xã thuần nông, thuộc thị xã Tuy Hoà, giáp Quốc lộ 25 và Sông Ba. Đây là một xã có nhiều ngành nghề truyền thống như: nghề mộc dân dụng, đan lát mây tre, gạch ngói, bánh tráng,... Tuy nhiên trong thời gian qua một số ngành nghề không phát triển được như nghề mộc dân dụng do không có đủ nguyên liệu sản xuất.

Xã Hoà An có 6 thôn, trong đó thôn Vĩnh Phú có 986 hộ với 4.780 nhân khẩu. Thôn Vĩnh Phú có 5 xóm, (Xóm Nam, Xóm Trung, Xóm Tây, Xóm Đông, Xóm Xoi). Thôn Vĩnh Phú có 2 ngành nghề truyền thống mộc dân dụng và đan lát, tuy nhiên, 80% dân số sống bằng nghề nông và đời sống của người dân còn rất thấp, thu nhập bình quân đầu người chỉ  khoảng 100.000đồng/tháng.

Các vấn đề chính

  • Nước sinh hoạt thiếu và kém chất lượng: Theo số liệu điều tra, 100% hộ đang sử dụng nguồn nước giếng (giếng khoan hoặc giếng đào), trong đó có khoảng 10% giếng bị nhiễm phèn và thường cạn kiệt vào mùa khô. Riêng ở khu vực xóm Nam thuộc thôn Vĩnh Phú có 70% giếng được khoan đến độ sâu 14m vẫn bị nhiễm phèn. Trong khi đó hệ thống nước máy của thị xã Tuy Hòa vẫn chưa được dẫn đến thôn.
  • Quản lý chất thải rắn chưa tốt: Hằng năm có khoảng trên 300 tấn rác thải sinh hoạt, nguồn rác thải xử lý chủ yếu gom đốt, còn có một số nơi như khu vực chợ, khu vực đông dân, nguồn rác tập trung ở các gò, chưa có biện pháp xử lý chất thải cho nên ô uế và mất vệ sinh. Chất thải sinh hoạt được xử lý bằng cách đem chôn hoặc đốt, một số khu vực vẫn bị vứt rác bừa bãi.
  • Phân người và động vật: .Chất thải động vật không được xử lý chỉ tập trung tại gia đình mà được sử dụng để bón ruộng trực tiếp nên gây ô nhiễm môi trường khá nặng. Nhiều hộ gia đình nuôi 6 - 7 con heo, phân  thải ra được dồn vào hố gom nhưng chưa có biện pháp xử lý. Với số lượng khoảng 2.200 heo và 500 bò trong khi các kỹ thuật đang được áp dụng ở nhiều nơi (như biogas) vẫn chưa được áp dụng ở đây. Qua kết quả điều tra vào tháng 10/2000, hơn 50% số hộ gia đình ở thôn Vĩnh Phú chưa có nhà vệ sinh (tập trung ở các xóm Đông, xóm Xoi và cả ở các xóm Trung và Tây), 35% hộ chỉ mới có hố xí tạm thời, không đảm bảo vệ sinh. Đây là nguyên nhân chính của nạn phóng uế bừa bãi ở các khu vực công cộng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ. Kết quả là chất thải từ người, và động vật đã gây ô nhiễm đến môi trường tại địa phương. Ngoài ra, việc kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi thông qua các mô hình đang được áp dụng rộng rãi như VAC chưa được thực hiện tốt.
  • Phân hóa học và thuốc BVTV: Đời sống của người dân ở thôn Vĩnh Phú phụ thuộc chủ yếu vào nghề trồng lúa kết hợp với chăn nuôi. Do đó, một lượng đáng kể phân bón và thuốc BVTV được sử dụng hàng năm để duy trì sản lượng nông nghiệp, đáp ứng một phần nhu cầu lương thực của địa phương. Phần lớn người dân canh tác dựa vào kinh nghiệm, việc cập nhật những kiến thức mới và tiến bộ về kỹ thuật nông nghiệp (giống mới, chế độ bón phân trên cơ sở thổ nhưỡng của khu vực, quản lý dịch hại tổng hợp,..) vẫn còn hạn chế. Kết quả là hiệu quả sản xuất thấp do phải chi phí nhiều, trong đó có chi phí để mua phân bón và thuốc BVTV. Một nguyên nhân khác liên quan đến năng suất nông nghiệp không cao là do chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa trồng trọt và chăn nuôi.
  • Những vấn đề trên dẫn tới hậu quả là thu nhập của người dân rất thấp, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn

Các giải pháp được thực hiện

Giải pháp 1: Tổ chức các khoá tập huấn về phương pháp áp dụng Năng suất xanh trong nông thôn; quản lý nguồn nước; quản lý chất thải rắn; quản lý phân người và động vật.
Giải pháp 2: Xây dựng và áp dụng Qui ước bảo vệ môi trường. Đưa ra những qui định của thôn, xóm về công tác bảo vệ môi trường, có biện pháp giáo dục và xử phạt hành vi, hình thành thói quen bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Giải pháp 3: Xây dựng mô hình xử lý nước sinh hoạt đơn giản tại hộ gia đình. áp dụng phương pháp lọc ngược để khử sắt, tăng thời gian sử dụng lớp lọc.
Giải pháp 4: Xây dựng Trạm xử lý nước tập trung có công suất 2m3/h  cho trạm y tế xã.
Giải pháp 5: Hướng dẫn kỹ thuật ủ phân composting.
Giải pháp 6: Thiết lập hệ thống phân loại rác thải sinh hoạt trong gia đình (đưa vào sử dụng các khung để đỡ các túi rác sinh hoạt, tạo thuận lợi cho các hộ tự phân loại rác trước khi được thu gom). Trên cơ sở chất thải rắn đã được phân loại sẽ áp dụng biện pháp xử lý thích hợp đối với từng loại như ủ phân, tái sử dụng, tái chế.
Giải pháp 7: Xây dựng mô hình điểm hầm biogas, kết hợp hầm biogas với nhà vệ sinh hoặc kết hợp nhiều hộ chăn nuôi.
Giải pháp 8: Xây dựng nhà vệ sinh.Thực hiện chương trình hỗ trợ nhau làm nhà vệ sinh. Các hộ dân đăng ký tham gia chương trình, mỗi hộ sẽ đóng góp tiền hàng tháng để luân phiên xây dựng nhà vệ sinh.
Giải pháp 9: Tập huấn về thực hành IPM;Tập huấn về kỹ thuật và từng bước áp dụng canh tác tự nhiên (dựa vào các nguyên liệu sẵn có tại địa phương để tạo các chế phẩm lên men, được áp dụng trên cây trồng, vật nuôi như một nguồn dinh dưỡng hoặc phòng trừ một số côn trùng có hại); 
Giải pháp 10: Tập huấn về kỹ thuật trồng nấm rơm: với nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương, việc triển khai áp dụng kỹ thuật trồng nấm rơm sẽ góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giải quyết rơm rạ dư thừa (khi không sử dụng làm chất đốt, phân bón).  
Giải pháp 11: Xây dựng bếp đun tiết kiệm năng lượng. Loại bếp đun ít khói, giảm thời gian đun nấu và tiết kiệm từ 30-50% lượng nhiên liệu.
Giải pháp 12: Thí điểm nuôi giun: đây là một giải pháp khả thi về kinh tế, kỹ thuật nhằm cung cấp nguồn đạm cho chăn nuôi các loài vật nuôi như vịt, cá;
Giải pháp 13: Trồng thí điểm các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao: Các loài cây đang thu hút sự quan tâm để phát triển là cây gió bầu, cóc Thái Lan, chanh không hạt, nhãn...

Kết quả đạt được

  • Tổ chức 01 lớp tập huấn nhận thức chung về Năng suất xanh, phương pháp áp dụng Năng suất xanh trong nông thôn cho các thành viên của nhóm Năng suất xanh và một số người dân quan tâm. 
  • Tổ chức 01 lớp đào tạo về cấp nước sạch và quản lý nước thải;
  • Tổ chức 01 lớp tập huấn về quản lý chất thải rắn; 
  • Tổ chức 01 lớp tập huấn về kỹ thuật ủ phân và hầm biogas;
  • Xây dựng 02 bảng tin về Năng suất xanh, từ đó nâng cao nhận thức của người dân về môi trường. Thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh trong thôn xóm và tuyên truyền về chương trình Năng suất xanh cũng như công tác bảo vệ môi trường trên hệ thống loa truyền thanh của xã;
  • Xây dựng 02 mô hình xử lý nước bằng phương pháp lọc ngược, tập trung chủ yếu ở xóm Nam (nơi có mật độ cao các giếng nước bị nhiễm phèn);
  • Xây dựng 01 trạm cấp nước, công suất 2m3/h tại trạm xá xã;
  • Trang bị 66 khung phục vụ phân loại rác thải sinh hoạt (60 khung cho 5 xóm, 06 khung cho UBND xã, trạm y tế và trường học, nhà trẻ);
  • Xây dựng 05 hầm biogas có công suất 6m3 cho các hộ gia đình trong thôn. Một số mô hình hầm biogas kết hợp với nhà vệ sinh, hoặc kết hợp 2-3 hộ gia đình lân cận để xây dựng 01 hầm biogas;
  • Thực hiện chương trình hỗ trợ nhau làm nhà vệ sinh, bước đầu đã xây dựng được 50 nhà vệ sinh hai ngăn, tự hoại không dội nước. Chương trình đang tiếp tục triển khai;
  • Tổ chức 03 lớp tập huấn về IPM, VAC, nuôi giun, trồng nấm rơm, canh tác tự nhiên cho các học viên là thành viên nhóm Năng suất xanh, nông dân địa phương;
  • Tổ chức hội thi tìm hiểu về Năng suất xanh và Bảo vệ môi trường. Kết quả có 1.750 người tham gia, trong đó trên 60% đạt khá và giỏi;
  • Xây 50 mô hình bếp tiết kiệm năng lượng. Kết quả được đánh giá cao, và đang dần dần được nhân rộng sang các hộ dân khác;
  • Hình thành đội thợ chuyên nghiệp xây dựng hầm biogas, bếp cải tiến tiết kiệm năng lượng để nhân rộng;
  • Nuôi thí điểm thành công 2kg giun kim và đã bắt đầu nhân rộng sang một số hộ lân cận;
  • Trồng thí điểm được 50 cây gió bầu, 20 cây chanh không hạt, 30 cây cóc Thái lan.
Phân tích chi phí – lợi ích của một số giải pháp như sau:
TT Mô hình Tổng vốn đầu tư
(đồng)
Mức tiết kiệm hàng tháng
(đồng)
Thời gian hoàn vốn (tháng)
1 Hầm biogas 4,6m3 4.600.000 100.000 46
2 Hầm biogas kết hợp nhà vệ sinh 5.200.000 150.000 34,6
3 Bể lọc nước đơn giản 500.000 60.000 12
4 Trạm xử lý và cung cấp nước 35.000.000 800.000 43,7
5 Bếp tiết kiệm năng lượng 250.000 20.000 12,5
6 Nhà vệ sinh 200.000 50.000 4
7 Nuôi giun kim 650.000 300.000 2,2
8 Khung phân loại rác 100.000 20.000 5