Tin tức

Trở về

Đào tạo, Hướng dẫn thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen dành cho doanh nghiệp ngành Công nghiệp

Khi nền kinh tế thế giới đang ngày càng hướng tới thị trường toàn cầu, nhiều doanh nghiệp không thể tránh khỏi những tác động của toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa đã khiến các quyết định hoặc hành động kinh doanh tại một khu vực có tác động đáng kể ở các khu vực khác trên thế giới. Khi thế giới ngày càng kết nối với nhau hơn, đặc biệt là với sự tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đã tạo ra một mức độ cạnh tranh mới giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành công nghiệp không thể bỏ qua nhu cầu cải tiến hiệu quả hoạt động của họ về chất lượng, chi phí và giao hàng (QCD).

Để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh thành công, họ cần phải giảm chi phí và đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu suất giao hàng. Dựa trên nhiều nghiên cứu đã được thực hiện, một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp ngành công nghiệp phải đối mặt là mức năng suất thấp. Do đó, các doanh nghiệp có thể thực hành cải tiến liên tục Kaizen để giúp giảm chi phí, đồng thời tăng chất lượng và hiệu suất giao hàng. Mục đích của việc thực hiện Kaizen là cải tiến chi phí, chất lượng, tính linh hoạt. Thông qua thực hành Kaizen, doanh nghiệp tập trung vào ba lĩnh vực cải tiến là Muda (lãng phí), Mura (bất hợp lý) và Muri (quá tải) (Imai, 1986). Các công cụ được sử dụng để thực hiện Kaizen, còn được gọi là chiếc ô Kaizen, là Kiểm soát chất lượng toàn diện (TQC), Bảo trì năng suất tổng thể (TPM), Cải tiến chất lượng, Tự động hóa, Không sai lỗi (ZD), Kanban, Vừa đúng lúc (JIT)), Nhóm Kiểm soát Chất lượng (QCC) và Hệ thống khuyến nghị (Imai, 1986). Cạnh tranh khốc liệt trên phạm vi toàn cầu là một trong nhiều thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Do đó, các doanh nghiệp ngành công nghiệp cần phải làm gì đó để đảm bảo rằng họ vẫn có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Một trong những chiến lược được nhiều doanh nghiệp thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh là thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen trong doanh nghiệp. Triết lý Kaizen dựa trên quan điểm là cách sống của chúng ta luôn đòi hỏi một số cải tiến nhất định. Do đó, cách tốt nhất để ứng phó với sự gia tăng cạnh tranh toàn cầu này là các doanh nghiệp tiến hành các hoạt động cải tiến liên tục với mục tiêu giảm thiểu lãng phí.

2. Nhiệm vụ Đào tạo, hướng dẫn thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen cho doanh nghiệp công nghiệp

Các doanh nghiệp công nghiệp trong những năm qua đã có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn do đại dịch Covid, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nguồn nguyên liệu khó khăn...Đây là lúc các doanh nghiệp càng cần phải tập trung giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Trong bối cảnh đó, Ngày 27 tháng 12 năm 2019, Bộ Công Thương ra quyết định số 3884/QĐ-BCT về việc đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ mới năm 2020 thực hiện dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp”, quyết định 3884 đã mở ra cơ hội lớn hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển của các doanh nghiệp ngành công nghiệp. Nhiệm vụ đào tạo, hướng dẫn thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp là nhiệm vụ thuộc dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp do Viện Năng suất Việt Nam là bên nhận đặt hàng thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, thực hiện hoạt động cải tiến năng suất chất lượng, từng bước xây dựng và duy trì văn hóa cải tiến liên tục cho doanh nghiệp ngành công nghiệp. 15 doanh nghiệp điểm thuộc ngành công nghiệp đã được Viện Năng suất Việt Nam lựa chọn để triển khai áp dụng và đã thực hiện thành công các yêu cầu và mục tiêu của nhiệm vụ đề ra.

3. Kết quả thực hiện nhiệm vụ:

Sau quá trình triển khai thực hiện Nhiệm vụ từ tháng 01 đến tháng 12/ 2020, 01 bộ tài liệu đào tạo về cải tiến liên tục Kaizen đã được soạn thảo và 160 lượt người từ 40 doanh nghiệp ngành công nghiệp đã được đào tạo theo hình thức lý thuyết kết hợp với thực hành tại doanh nghiệp; 15 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp đã được tư vấn hướng dẫn thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen tại hiện trường sản xuất. Viện Năng suất Việt Nam đã soạn thảo và xuất bản 01 ấn phẩm về áp dụng thực hành cải tiến liên tục Kaizen; xây dựng 05 báo cáo điển hình về thành công trong thực hành phương pháp cải tiến liên tục theo Kaizen và xây dựng cơ sở dữ liệu mạng lưới chuyên gia cải tiến liên tục trong cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng chuyên gia; Ngoài ra Viện Năng suất Việt Nam đã tổ chức hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kết quả áp dụng cải tiến liên tục Kaizen tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp và đăng một số bài viết trên các website của Bộ Công thương, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.... Chia sẻ về kết quả thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen, Ông Nguyễn Văn Hà, Giám đốc Công ty TNHH Dệt Phú Thọ cho biết: “Kể từ khi được các chuyên gia tư vấn của Viện Năng suất đào tạo, huấn luyện, đến nay nhận thức về cải tiến/ đổi mới của đội ngũ quản lý cấp trung và toàn thể công nhân viên công ty đã gần như thay đổi hoàn toàn. Mọi người đã không còn ngại đưa ra các sáng kiến cải tiến nhằm nâng cao năng suất nữa. Dẫn chứng về điều này, Ông Hà cho biết, chỉ trong vòng 02 tháng cuối năm 2020, Lãnh đạo Công ty đã nhận được gần 50 đề xuất cải tiến từ công nhân các phân xưởng. Các đề xuất đều nêu rõ vấn đề đã tồn tại nhiều năm, phân tích nguyên nhân của vấn đề, đề xuất giải pháp thực hiện và minh chứng về hiệu quả của đề xuất”. Ông Hà cũng cho biết thêm, để khuyến khích người lao động không ngừng cải tiến, đổi mới quá trình sản xuất, Lãnh đạo Công ty đã họp bàn và ban hành chính sách khuyến khích động viên đối với các đề xuất cải tiến của người lao động. Cụ thể, mỗi đề xuất cải tiến đều được thưởng 20.000 đồng. Những cải tiến được triển khai thực hiện trong thực tế sản xuất sẽ được thưởng với tỷ lệ 50% giá trị kinh tế mà đề tài cải tiến mang lại.

Viện Năng suất Việt Nam