Tin tức

Trở về

Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo- Ngọn hải đăng định hướng nâng cao năng suất Việt Nam trong thập kỷ mới

Để đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính tạo ra sự bứt phá về tăng năng suất lao động của quốc gia và tăng trưởng bền vững và là một trong những yếu tố then chốt góp phần giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất với các quốc gia phát triển hàng đầu trong khu vực và trên thế giới, cũng như thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần xây dựng và phát triển Kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để tạo ra sự bứt phá về tăng năng suất và tăng trưởng bền vững, đặc biệt trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.

 

Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế đáng kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới vào cuối những năm 1980. Tương tự như Hàn Quốc và các nước Đông Á khác, Việt Nam bắt đầu sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước bằng cách tập trung vào các ngành công nghiệp nhẹ, thâm dụng lao động và nhanh chóng hội nhập với thị trường toàn cầu. Chiến lược này đã rất thành công trong việc khởi đầu hoạt động nâng cao năng suất và giảm nghèo của Việt Nam.

Tuy nhiên, vào những năm 2000, tăng năng suất lao động bắt đầu chậm lại và phụ thuộc chủ yếu vào tăng cường độ vốn hơn là tăng năng suất. Một câu hỏi lớn đặt ra không chỉ với Việt Nam mà còn nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới đó là liệu kết quả tăng trưởng kinh tế đáng kể này có thể tiếp tục được duy trì nữa hay không.

Bài học kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển để giải quyết câu hỏi trên đó là xây dựng và phát triển Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất quốc gia. Trong thời gian vừa qua, với sự hỗ trợ của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), Viện Năng suất Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó, đưa ra những hành động và một số chính sách chiến lược để thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất của Việt Nam cho thập niên tới, giai đoạn 2021-2030.

Trong khuôn khổ dự án nêu trên, Viện Năng suất Việt Nam đã tổ chức hội thảo báo cáo những kết quả đạt được. Phát biểu chào mừng hội thảo, phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (VNPI), bà Nguyễn Thu Hiền cho biết “Năng suất là yếu tố then chốt cho sự thành công và thịnh vượng không chỉ của một tổ chức mà còn là của một quốc gia. Xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất hiệu quả cần xem xét ba yếu tố chính, đó là kế hoạch thực hiện, chiến lược bao trùm và giải pháp căn cơ ”. Bà cũng nhấn mạnh rằng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp cận Mô hình tăng trưởng dựa vào tăng năng suất được nghiên cứu bởi Tổ chức Năng suất Châu Á đã cho thấy một bức tranh tổng thể về thực trạng năng suất của Việt Nam và cũng chỉ rõ những thách thức cản trở nâng cao năng suất của Việt Nam, từ đó, đề xuất các chiến lược và giải pháp căn cơ để thúc đẩy năng cao năng suất quốc gia trong giai đoạn tới. Bà Nguyễn Thu Hiền cũng cho rằng để tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhanh và bền vững, thì Kế hoạch tổng thể này đóng vai trò như ngọn hải đăng định hướng rõ những lộ trình Việt Nam cần thực hiện và những vấn đề cốt lõi Việt Nam cần quan tâm giải quyết trong những năm tới". 

 

Việt Nam đang bước sang một thập kỷ mới, thập kỷ 2020 - 2030, cùng với khát vọng xây dựng một đất nước công nghiệp, hiện đại.

Các hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đặt ra những tiêu chuẩn cao về mặt thể chế, chất lượng quản lý nhà nước cũng như khuôn khổ pháp luật, bao trùm các nguyên tắc về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều chủ đề khác, tạo áp lực lên cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức đối với nền kinh tế.

Đồng thời, Cuộc CMCN 4.0, với sự ra đời của những công nghệ mới và những sáng tạo có tầm bao phủ rộng đang lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi hơn nhiều so với các cuộc cách mạng trước đó. Trong bối cảnh đó, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ sớm giải phóng để tạo ra sự bùng nổ về năng suất và tăng trưởng kinh tế cao hơn. Quy luật cạnh tranh của nền kinh tế trong CMCN 4.0 sẽ khác với các thời kỳ trước. Để có được lợi thế cạnh tranh, quốc gia phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo.

Để đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính tạo ra sự bứt phá về tăng năng suất lao động của quốc gia và tăng trưởng bền vững và là một trong những yếu tố then chốt góp phần giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất với các quốc gia phát triển hàng đầu trong khu vực và trên thế giới, cũng như thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần xây dựng và phát triển.

Kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để tạo ra sự bứt phá về tăng năng suất và tăng trưởng bền vững, đặc biệt trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.

VNPI