Tin tức

Trở về

Năng suất - Chặng đường 20 năm hình thành và phát triển

Ngày 8/6/2020, Hội nghị Ban chấp hành (GBM) Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) lần thứ 62 đã được tổ chức với sự tham gia của 20 nền kinh tế thành viên và Tổng thư ký APO, Ban thư ký APO. Theo đó, Hội nghị đã nhất trí bầu TS Hà Minh Hiệp là Chủ tịch APO nhiệm kỳ 2020-2021. Đây là lần thứ hai sau 20 năm, Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch APO.

Ngày 8/6/2020, Hội nghị Ban chấp hành (GBM) Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) lần thứ 62 đã được tổ chức với sự tham gia của 20 nền kinh tế thành viên và Tổng thư ký APO, Ban thư ký APO. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Hội nghị lần này được tổ chức trực tuyến. Tiến sỹ Hà Minh Hiệp, Giám đốc APO thường trực của Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Ban Chấp hành APO lần thứ 62. Ảnh: VietQ 

Theo đó, Hội nghị đã nhất trí bầu TS Hà Minh Hiệp là Chủ tịch APO nhiệm kỳ 2020-2021. Đây là lần thứ hai sau 20 năm, Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch APO. Trước đó, nguyên Tổng Cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam TS. Nguyễn Hữu Thiện từng đảm nhận vai trò này trong nhiệm kỳ 1999-2000.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp đã cảm ơn sự ủng hộ của các nền kinh tế thành viên. Trong giai đoạn khó khăn khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tân chủ tich APO hy vọng APO và các nền kinh tế thành viên sẽ xây dựng một chiến lược và tầm nhìn mới, đoàn kết cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, tăng cường các hoạt động năng suất theo tình hình mới để khôi phục nền kinh tế hậu Covid-19.

TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được bầu làm Chủ tịch APO nhiệm kỳ 2020-2021. Ảnh: VietQ

Đáp lời Chủ tịch APO, Tổng thư ký APO, Tiến sỹ AKP Mochtan chia sẻ, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của APO khi 40/59 dự án đa quốc gia đã phải hoãn lại và một số dự án đã phải hủy hoặc đang xem xét khả năng thực hiện khi dịch Covid-19 vẫn còn có các diễn biến khó lường tại một số nền kinh tế thành viên. Để đối phó với tình hình hiện tại, APO đã nhanh chóng triển khai và tăng cường các nền tảng kỹ thuật số như các tọa đàm trực tuyến, các khóa đào tạo trực tuyến, tư vấn trực tuyến để kịp thời hỗ trợ các nền kinh tế thành viên.

Cũng trong Hội nghị, nhiều quyết sách quan trọng cũng được thông qua như báo cáo tài chính APO năm 2019, ngân sách của APO giai đoạn 2021-2022...Đặc biệt, hội nghị đã bước đầu thông qua Tầm nhìn và Chiến lược mới đến năm 2025 của APO, ghi nhận nỗ lực của Ban chỉ đạo Tầm nhìn và Nhóm chuyên gia kỹ thuật.

Với sự tham gia của trên 20 nền kinh tế thành viên, Hội nghĩ đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Ảnh: VietQ

Bế mạc hội nghị, Việt Nam cảm ơn sự tham gia tích cực và sự ủng hộ của các nền kinh tế thành viên, Tổng thư ký APO và Ban thư ký APO đã chuẩn bị chu đáo cho hội nghị. Bên cạnh đó, Việt Nam hy vọng thành viên mới Thỗ Nhĩ Kỳ, với vị trí địa lý hết sức đặc biệt khi thuộc cả Châu Âu và Châu Á, sẽ là cầu nối tăng cường hợp tác giữa hai Châu lục trên trong lĩnh vực năng suất.

Việt Nam cũng hy vọng sẽ sớm chào đón các nền kinh tế thành viên tại Hội nghị các nhà lãnh đạo tổ chức năng suất quốc gia (WSM) lần thứ 61 tổ chức tại Việt Nam vào tháng 10/2020.

APO cùng các tổ chức thành viên đã cùng nhau thể hiện bài hát "Sukiyaki" để kế thúc Hội nghị GBM lịch sử nhằm gửi gắm thông điệp về sự đoàn kết và hy vọng vào một tương lai tươi sáng. 

Hội nghị Ban chấp hành APO là hội nghị cấp cao nhất của APO được tổ chức hàng năm gồm đại diện là Giám đốc APO quốc gia của các nền kinh tế thành viên, GBM quyết định nhiều vấn đề chính sách quan trọng của APO như chính sách về niên liễm, phân bổ ngân sách cho các năm, v.v…

Năm 1999 tại Tokyo (Nhật Bản), Việt Nam lần đầu tiên đảm nhận vai trò Chủ tịch APO nhiệm kỳ 1999-2000. Khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thiện- Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Giám đốc APO tại Việt Nam được bầu làm Chủ tịch APO với sự nhất trí 100% từ các giám đốc APO. Trên cương vị Chủ tịch APO, TS. Nguyễn Hữu Thiện đã dành nhiều tâm huyết và có những đóng góp hết sức quan trọng trong lĩnh vực năng suất chất lượng tại Việt Nam cũng như góp phần thúc đẩy hoạt động năng suất tại các nước thành viên. 

VNPI