Thực hiện Chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2016-2020, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Xây dựng thành công 15 mô hình doanh nghiệp và dịch vụ điểm, ứng dụng công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến, tạo bước nhảy vọt về năng suất, chất lượng và trình độ quản lý, trở thành những mô hình kinh doanh hoàn hảo, là mô hình điểm để các doanh nghiệp khác trong tỉnh đến học hỏi; 70% doanh nghiệp của tỉnh được phổ biến và tuyền tuyền các kiến thức về hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; 600 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của tỉnh được hỗ trợ về kinh phí và tư vấn áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và trình độ quản lý; Số lượng doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của tỉnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ tăng lên 10% mỗi năm. 50% sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của tỉnh đạt tiêu chuẩn hoặc đạt trình độ chất lượng tương đương với sản phẩm hàng hóa cùng loại của các nước trong các thị trường tương ứng.
Quảng Ninh có mức năng suất đạt được năm 2021 là 350,8 triệu đồng/lao động, cao gấp 2 lần so với mức bình quân chung của cả nước (172,8 triệu đồng/lao động). Năm 2022, năng suất lao động của tỉnh ước tính đạt được 406,6 triệu đồng/lao động, đứng thứ hai toàn quốc. Các doanh nghiệp nói chung đã chủ động, kể cả trong nhận thức và đầu tư cải thiện năng suất, đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Qua khảo sát 100 doanh nghiệp trong khuôn khổ dự án triển khai hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy, một số doanh nghiệp có sự chủ động rất cao trong các hoạt động cải tiến năng suất, hình thành, xây dựng và duy trì các hoạt động cải tiến liên tục (ví dụ Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Thái Lan). Các hệ thống quản lý năng suất chất lượng cơ bản đã được các doanh nghiệp nhận biết và áp dụng, như hệ thống ISO 9000, hệ thống ISO 22000, 5S, tuy nhiên mức độ áp dụng cũng có sự khác nhau giữa các doanh nghiệp. Nhìn chung, các doanh nghiệp đều có mong muốn và sẵn sàng tham gia các chương trình nâng cao năng suất, chất lượng của tỉnh. Các doanh nghiệp có thể chủ động về vốn cho các hoạt động cải tiến nhưng cần có sự hỗ trợ về chuyên gia và đào tạo.
Triển khai Quyết định số 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11 tháng 01 năm 2021 về Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, năm 2022, Sở Khao học và Công nghệ - Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Viện Năng suất Việt Nam xây dựng dự thảo Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đối mới sáng tạo của tỉnh. Kế hoạch đã được UBND tỉnh ban hành ngày 21 tháng 12 năm 2022.
Mục tiêu của Kế hoạch hướng đến năm 2025 là tỉnh Quảng Ninh sẽgóp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7%/năm; góp phần đạt mục tiêu năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 50% vào tăng GRDP của tỉnh; tối thiểu 20 doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ, thực hiện các giải pháp về cải tiến năng suất, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất. Tối thiểu 10 đơn vị sự nghiệp xây dựng mô hình điểm về áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất (trong lĩnh vực dịch vụ công, bệnh viện, trường học); đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về cải tiến năng suất cho 20 lượt cán bộ, công chức, viên chức; 200 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý và người lao động của các doanh nghiệp được đào tạo, tập huấn các kiến thức về các giải pháp nâng cao năng suất, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nghiên cứu, triển khai các hoạt động, phong trào năng suất cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hướng đến mục tiêu năm 2030 góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 8%/năm; góp phần đạt mục tiêu TFP đóng góp trên 50% vào tăng GRDP của tỉnh; tối thiểu 50 doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ thực hiện các giải pháp về cải tiến năng suất, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất; tối thiểu 20 đơn vị sự nghiệp xây dựng mô hình điểm về áp dụng các mô hình, công cụ cải tiến năng suất; 2 tổng công ty/doanh nghiệp lớn trên địa bàn tham gia xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất; 2 trường đại học/cơ sở giáo dục nghệ nghiệp tham gia bồi dưỡng về năng suất; 20 chuyên gia năng suất đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về cải tiến năng suất cho 50 lượt cán bộ, công chức, viên chức; 1000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý và người lao động của các doanh nghiệp được đào tạo, tập huấn các kiến thức về các giải pháp nâng cao năng suất, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, giao thông thông minh ...; góp phần gắn kết hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, thực hành về năng suất đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
ThS. Lê Xuân Biên
Viện Năng suất Việt Nam