Tin tức

Trở về

Chương trình Năng suất xanh tại Việt Nam

Kể từ năm 1998, Trung tâm Năng suất Việt Nam (VPC) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường Chất lượng đã bắt đầu tiến hành thực hiện Chương trình điểm về Năng suất xanh (GPDP) thông qua việc thực hiện dự án SPE-GPDP-98-2058 do Tổ chức Năng suất Châu á (APO) tài trợ.

Kể từ năm 1998, Trung tâm Năng suất Việt Nam (VPC) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường Chất lượng đã bắt đầu tiến hành thực hiện Chương trình điểm về Năng suất xanh (GPDP) thông qua việc thực hiện dự án SPE-GPDP-98-2058 do Tổ chức Năng suất Châu á (APO) tài trợ. Ban đầu, việc thực hiện dự án với VPC dường như là một nhiệm vụ quá nặng nề do gặp phải các vấn đề như thiếu chuyên gia về Năng suất xanh (GP), do nhận thức về Năng suất xanh và các công cụ, kỹ thuật Năng suất xanh của người dân Việt Nam còn rất hạn chế. Không như các dự án điểm về GP ở các nước thành viên khác của APO, nơi mà dự án chỉ được tiến hành tại các trang trại hoặc các công ty, Chính phủ Việt Nam và Trung tâm Năng suất Việt nam đã quyết định tiến hành áp dụng dự án GP tại cộng đồng. Do đó, dự án (GPDP) tại Việt Nam hoàn toàn khác biệt về tính chất cũng như phạm vi áp dụng so với các dự án GPDP tại các nước khác.

Với sự hỗ trợ về tài chính và chuyên gia của APO, sự tham gia và ủng hộ tích cực của các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường các tỉnh, sự nỗ lực hết mình của các cán bộ VPC, các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật trong nước, và nhất là sự ủng hộ, đồng tình của những người đứng đầu địa phương cũng như của dân làng nơi thực hiện dự án mà giai đoạn một của dự án GPDP đã được thực hiện thành công tại 3 cộng đồng dân cư tại Bắc Giang và Củ Chi. Những kết quả thu được từ dự án là rất đáng khen ngợi và đã được Tổ chức APO và các Tổ chức Năng suất Quốc gia trong khu vực đánh giá rất cao. Thông qua chương trình điểm Năng suất xanh, chất lượng cuộc sống và điều kiện môi trường của người dân đã được cải thiện rõ rệt thông qua việc thực hiện một loạt các giải pháp Năng suất xanh như áp dụng kỹ thuật biogas để giải quyết vấn đề phân người và động vật, xây dựng trạm cấp nước tập trung để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân, áp dụng kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) để giảm lượng thuốc trừ sâu và phân bón hoá học. Sau khi đánh giá hiệu quả của dự án trong giai đoạn I, APO và VPC đã quyết định mở rộng dự án GP giai đoạn II cho 7 cộng đồng dân cư khác tại Vĩnh Long,Cần Thơ, Phú Yên, Huế, Đà nẵng, Ninh Bình, Hoà Bình. Một lần nữa, chương trình Năng suất xanh đã khẳng định được thế mạnh của mình. Bên cạnh các giải pháp năng suất xanh tập trung chủ yếu vào việc bảo vệ môi trường, một loạt các giải pháp khác tập trung vào phát triển cộng đồng như trồng nấm rơm, nuôi giun, áp dụng mô hình bếp tiết kiệm năng lượng, làm mắm, phát triển nghề làm bún. v.v. đã được người dân đề xuất, hưởng ứng và tham gia tích cực. Sự thành công của chương trình Năng suất xanh giai đoạn I và giai đoạn II đã thu hút sự tham gia của các địa phương khác. Hiện nay VPC đã nhận được đề nghị tiến hành dự án GP cho 60 cộng đồng và kế hoạch là tiến tới nhân rộng ra cả 61 tỉnh trong toàn quốc. Mục tiêu của chương trình Năng suất xanh tại Việt nam là nhằm cải thiện được điều kiện kinh tế xã hội cũng như giải quyết cơ bản các vấn đề về môi trường tại các địa phương, đồng thời mở rộng dự án sang áp dụng cho các nghành công nghiệp. Phương pháp tiếp cận đối với các ngành công nghiệp là kết hợp các kỹ thuật GP và Hệ thống quản lý Môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000. Các công ty đầu tiên tiến hành áp dụng là Công ty Xi măng Hoàng Thạch và Công ty xi măng Sài Sơn. Con số doanh nghiệp tiến hành áp dụng Năng suất xanh vào năm 2003 theo kế hoạch sẽ là 40 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, VPC cũng đang tiến hành các hoạt động quảng bá GP thông qua việc cung cấp các khoá đào tạo với nhiều cấp độ khác nhau. Những khoá đào tạo này tập trung vào việc cung cấp cho các chuyên gia tư vấn, các doanh nghiệp và các viện nghiên cứu thông tin và kiến thức liên quan đến GP, ISO 14000 và các công cụ cải tiến Năng suất và bảo vệ môi trường khác.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên đưa GP vào áp dụng tại cộng đồng, do vậy những kết quả và kinh nghiệm thu được từ dự án sẽ rất hữu ích không chỉ đối với việc thúc đẩy phong trào Năng suất xanh tại các vùng khác của Việt nam mà còn trở thành một mô hình sinh động về việc áp dụng GP tại cộng đồng cho các quốc gia khác trong khu vực. Thành công bước đầu của chương trình Năng suất xanh cho cộng đồng tại Việt nam là những mô hình này đang được tiếp tục triển khai mở rộng cho cộng đồng một số nước như Nepal, Malaysia...

 

 

Tổng quan về phương pháp luận Năng suất xanh

Việc thực hiện Năng suất xanh được tiến hành theo 6 bước, bao gồm 13 nhiệm vụ:

Bước 1: Bắt đầu

Đây là bước đầu tiên của quá trình thực hành Năng suất xanh, bao gồm 2 nhiệm vụ quan trọng:

  • Nhiệm vụ 1: Thành lập nhóm Năng suất xanh
  • Nhiệm vụ 2: Tiến hành thu thập thông tin.

Bước 2: Lập kế hoạch

Bao gồm 2 nhiệm vụ:

  • Nhiệm vụ 3: Nhận biết các vấn đề và nguyên nhân. Sau khi đã thu thập đầy đủ các thông tin cần thiết, bước này dựa vào các thông tin đó để xác định các vấn đề và nguyên nhân gây ra.
  • Nhiệm vụ 4: Xác định các mục tiêu và chỉ tiêu

Sau khi đã xác định được các vấn đề và nguyên nhân liên quan, bước tiếp theo trong quá trình thực hiện Năng suất xanh là đưa ra các mục tiêu và chỉ tiêu cho việc thực hiện.

Bước 3: Đề xuất và đánh giá các phương án

  • Nhiệm vụ 5: Xây dựng các phương án Năng suất xanh. Sau khi đã xác định được nguyên nhân của các vấn đề, mục tiêu và chỉ tiêu cần vươn tới, bước tiếp theo là đề ra các giải pháp để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đó.
  • Nhiệm vụ 6: Xem xét và đánh giá các phương án. Sau khi đã đề ra một loạt các giải pháp thực hiện, việc đánh giá lựa chọn các phương án có thể được dựa trên 4 khía cạnh:
- Khía cạnh môi trường
- Khía cạnh kỹ thuật, công nghệ
- Khía cạnh tài chính
- Khía cạnh xã hội
  • Nhiệm vụ 7: Xây dựng kế hoạch thực hiện

Bước 4: Thực thi các phương án

  • Nhiệm vụ 8: Thực thi các phương án đã chọn. Nhóm Năng suất xanh tiến hành thực hiện theo các bước công việc đã đề ra trong kế hoạch.
  • Nhiệm vụ 9: Đào tạo nhận thức. Tuỳ thuộc vào từng dự án cụ thể, nhóm Năng suất  xanh và người dân cần được đào tạo một cách thích hợp để chuẩn bị, thực hiện và duy trì các phương án Năng suất xanh.

Bước 5: Kiểm tra và đánh giá

  • Nhiệm vụ 10: Kiểm tra và đánh giá kết quả. Hiệu quả của các phương án áp dụng phải được kiểm tra để tiến hành so sánh với các mục tiêu và chỉ tiêu đã đề ra. Trong trường hợp có sự sai khác cần phải xác định nguyên nhân và có các thay đổi cần thiết.
  • Nhiệm vụ 11: Xem xét của lãnh đạo. Sau khi thực hiện, lãnh đạo cần kiểm tra lại toàn bộ chương trình Năng suất xanh xem có được thực hiện đúng hay không và kết quả có đạt được các mục tiêu đã đề ra hay không.

Bước 6: Duy trì việc thực hiện

  • Nhiệm vụ 12: Đưa các thay đổi vào hệ thống quản lý. Năng suất xanh sẽ không duy trì được một cách độc lập. Nó phải được kết hợp và trở thành một bộ phận trong hoạt động quản lý hàng ngày. Để có thể duy trì một cách hiệu quả Năng suất xanh bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền các cấp cũng cần có sự đóng góp của người dân.
  • Nhiệm vụ 13: Xác định và lựa chọn lĩnh vực tiếp tục áp dụng. Toàn bộ các bước trên có thể được lặp lại để giải quyết cho một lĩnh vực mới. Chính vì vậy chương trình Năng suất xanh sẽ không bao giờ kết thúc. Đây là một quá trình chuyển động liên tục phát triển theo đường xoáy trôn ốc và sẽ không bao giờ ngừng.

 

Một số công cụ Năng suất xanh đã được sử dụng

 

Bước Nhiệm vụ Công cụ
Bước 1.
Bắt đầu
  1. Thành lập nhóm NSX
  2. Khảo sát, thu thập thông tin
  • Huy động trí tuệ tập thể
  • Chuẩn đối sánh
  • Phiếu hỏi
  • Sơ đồ dòng chảy
Bước 2.
Lập kế hoạch
3. Xác định vấn đề và các nguyên nhân
4. Thiết lập mục tiêu và chỉ tiêu
  • Huy động trí tuệ tập thể
  • Biểu đồ xương cá
  • Bản đồ sinh thái
  • Phân tích điểm tới hạn
  • Cân bằng nguyên vật liệu
Bước 3.
Đưa ra và đánh giá các giải pháp Năng suất xanh

5. Đề xuất các giải pháp
6. Đánh giá lựa chọn giải pháp
7. Lên kế hoạch thực hiện

 

  • Huy động trí tuệ tập thể
  • Phân tích chi phí lợi ích
  • Bản đồ sinh thái
  • Biểu đồ Pareto
Bước 4.
Thực hiện các giải pháp NSX
8. Thực thi các giải pháp đã được lựa chọn
9. Tiến hành đào tạo
  • Phân tích nhu cầu đào tạo
  • Ma trận trách nhiệm
  • Sơ đồ nhện
Bước 5.
Giám sát và đánh giá
10. Giám sát đánh giá kết quả
11. Xem xét lại của lãnh đạo
  • Bản đồ sinh thái
  • Đánh giá hiệu quả giải pháp
  • Phân tích nguyên nhân gây lỗi
Bước 6.
Duy trì NSX
12. Kết hợp các thay đổi
13. Xác định các khía cạnh mới cần cải tiến
Các cộng cụ lại được lặp lại ở đây, khi mà các hoạt động quay trở lại từ bước 1

 

 

Mô hình thực hiện năng suất xanh