Tin tức

Trở về

Năng suất xanh tại thôn Vân Cù, xã Hương Toàn, tỉnh Thừa Thiên Huế

Sơ lược về địa phương

Với 304 hộ gia đình và 1642 dân, Thôn Vân Cù là địa phương thuần về sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thu nhập chính của người dân không phải từ cây lúa mà từ nghề làm bún truyền thống kết hợp với chăn nuôi heo. Hiện có hơn 66% hộ gia đình sản xuất bún, với tổng sản lượng đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu tiêu dùng của thành phố Huế và các địa phương lân cận.

Các vấn đề chính

  • Ô nhiễm nước do việc xả thải chất thải người và động vật. Toàn thôn chỉ có 30 hộ có xây dựng hố xí tự hoại, 50 hộ khác có hố xí hai ngăn, trong khi đó số còn lại sử dụng hố xí thô sơ, không đảm bảo vệ sinh. Đời sống còn khó khăn, cùng với nhận thức hạn chế về vệ sinh môi trường là những nguyên nhân đầu tiên của vấn đề này. Hệ quả có thể thấy được là nguy cơ của các loại dịch bệnh, ô nhiễm các nguồn nước và ảnh hưởng xấu tới việc đảm bảo yêu cầu vệ sinh của sản phẩm bún. Như đã đề cập trên, nghề nuôi heo được người dân Vân cù phát triển vì tận dụng được nguồn tinh bột thất thoát trong quá trình làm bún. Với con số tương tự, khoảng 70% hộ có nuôi heo với số lượng dao động 5-15 con/hộ. Lượng chất thải khá lớn từ hoạt động này không chỉ tác hại đến sức khoẻ của chính chủ hộ mà còn là nguồn ô nhiễm cho các ao, hồ và sông trên địa bàn thôn, xã.
  • Nằm trong khu vực nông thôn nên hầu như Vân cù chưa có hệ thống cống thoát nước. Nước thải từ sinh hoạt, từ sản xuất bún và nước rửa chuồng trại không được xử lý thích hợp ở phạm vi gia đình trước khi thải ra các ao công cộng hoặc tự thấm xuống đất. Với tải lượng cao các chất hữu cơ, hỗn hợp nước thải này gây ô nhiễm các nguồn nước mặt và nước ngầm. Cần lưu ý rằng, nguồn nước chính phục vụ cho sản xuất bún được bơm từ sông Bồ mà không qua khâu xử lý nào. Do vậy, vấn đề ô nhiễm bởi nước thải khá nghiêm trọng ở địa phương.
  • Chất thải sinh hoạt tại thôn chủ yếu được các hộ gia đình tự xử lý chôn lấp. ở một số khu vực công cộng, hiện tượng vứt rác vẫn còn xảy ra. Mặc dù chưa phải là vấn đề nóng bỏng so với chất thải từ người và động vật, nhưng có một nguy cơ ô nhiễm tiềm tàng do tỉ lệ của các loại rác khó phân huỷ sinh học (bao bì plastic) ngày càng tăng trong thành phần rác thải sinh hoạt.
  • Năng suất nông nghiệp: Mô hình trong đó có sự kết hợp nghề trồng lúa, làm bún và chăn nuôi được áp dụng phổ biến ở Vân cù. Nếu được tổ chức tốt, có áp dụng các kỹ thuật thích hợp, mô hình này sẽ góp phần cải thiện đời sống nhân dân địa phương và hạn chế các tác động đến môi trường. Thực tế, hiệu quả sản xuất vẫn còn thấp bởi nhiều lý do khác nhau. Đó là chi phí cao cho phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật, là lãng phí khi lượng chất thải dồi dào từ chăn nuôi chưa được sử dụng như nguồn phân bón hữu cơ bổ xung cho đồng ruộng, và đặc biệt là nguồn nguyên liệu sản sinh năng lượng khí sinh học.

Các giải pháp được thực hiện

Được sự hỗ trợ về tài chính của Quỹ môi trường Thuỵ Điển (SIDA) là chủ yếu và một phần từ Tổ chức Năng suất châu á (APO), sự hỗ trợ về chuyên môn - nghiệp vụ của Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, người dân làng Vân Cù đã áp dụng mô hình Năng suất xanh trong cộng đồng để từng bước giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và cải thiện năng suất - chất lượng. Với phương pháp trực quan hoá có sự tham gia của người dân (VIPP) và công cụ cải tiến chất lượng khác, nhóm Năng suất xanh (25 thành viên) đã tiến hành phân tích hiện trạng, nhận dạng vấn đề, tìm ra nguyên nhân và đề ra các giải pháp và kế hoạch hành động cụ thể. Một số các giải pháp chủ yếu đã được thực hiện:

  • Giải pháp 1: Tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề bảo vệ môi trường, vệ sinh phòng dịch và an toàn thực phẩm;
  • Giải pháp 2: Xây dựng Quy ước bảo vệ môi trường giữa các họ tộc trong làng Vân Cù;
  • Giải pháp 3: Lập quỹ tín dụng quay vòng để làm hố xí, xây dựng một số mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để giải quyết các vấn đề về vệ sinh môi trường như biogas, hố hủ phân, hầm xử lý nước thải.
  • Giải pháp 4: Xây dựng hầm biogas nhằm xử lý phân chuồng, tạo nguồn chất đốt
  • Giải pháp 5: Xây dựng hầm xử lý phân heo và nước thải hợp vệ sinh
  • Giải pháp 6: Tiến hành thu gọm chất thải rắn

Kết quả đạt được

  • Tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường trong cộng đồng và phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường và một số kỹ thuật cơ bản về xử lý các chất thải trong sinh hoạt và trong sản xuất bún cho Nhóm năng suất xanh do SIDA tài trợ.
  • Tổ chức 1 lớp tập huấn chuyên sâu cho Nhóm Năng suất xanh và một số cán bộ thôn về kỹ thuật xử lý chất thải trong sinh hoạt, sản xuất bún và các vấn đề liên quan đến vệ sinh phòng dịch và an toàn thực phẩm; 2 lớp tập huấn cho các hộ sản xuất bún về vệ sinh phòng dịch và an toàn thực phẩm; 2 lớp tập huấn cho phụ nữ chủ yếu các nội dung về vệ sinh môi trường và ứng dụng chương trình 5S trong gia đình.
  • Thực hiện rất tốt hoạt động truyền thông môi trường thông qua hệ thống loa phát thanh, lồng ghép trong các cuộc họp làng, tập huấn, tổ chức các đợt ra quân làm vệ sinh, phân phát tờ rơi và truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, xây dựng quy ước bảo vệ môi trường...
  • Xây dựng được quy ước bảo vệ môi trường giữa các họ tộc của làng Vân Cù. Quy ước được hầu hết bà con hoan nghênh, ủng hộ. Lễ ký kết giữa các họ tộc được tổ chức long trọng tại đình làng; đồng thời 100% bà con đã ký cam kết thực hiện quy ước bảo vệ môi trường với họ tộc của mình và đã đề ra kế hoạch hành động cụ thể và thiết thực. Để tổ chức triển khai thực hiện tốt quy ước, Nhóm Năng suất xanh đã có sáng kiến xây dựng bộ hồ sơ triển khai quy ước bảo vệ môi trường của làng, trong đó ghi rõ hiện trạng vệ sinh môi trường của từng gia đình trong mỗi kỳ đánh giá và các hành động cải thiện mà gia đình sẽ cam kết thực hiện.
  • Xây dựng 4 hầm biogas loại 6 m3 và đã đưa vào sử dụng rất hiệu quả, phù hợp với thực tế của địa phương.
  • Xây dựng được 51 hầm xử lý phân heo và nước thải hợp vệ sinh Triển khai chương trình "Tín dụng quay vòng để giúp nhau làm nhà vệ sinh". Dự kiến sau 2-3 năm, hầu hết các hộ trong làng sẽ được sửa chữa hoặc xây dựng hố xí đảm bảo vệ sinh

Vận động bà con hạn chế sử dụng bao, túi ni-long, bước đầu thực hiện việc thu gom và tách riêng bao, túi ni-long các loại ra khỏi rác hữu cơ trong sinh hoạt..