Những yếu tố này có thể là do áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, tri thức quản lý hiện đại, v.v.. Về cơ bản có ba thành phần đóng góp vào năng suất sản xuất ra hàng hoá và dịch vụ, đó là: (1) lao động, (2) vốn và (3) những yếu tố khác, trong đó có giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, v.v... Những phần tăng năng suất không phải do tăng vốn và lao động này được các nhà kinh tế gọi là "Năng suất các nhân tố tổng hợp" (Total Factor Productivity - TFP).
Về nghiên cứu kinh tế, chỉ tiêu TFP thường được sử dụng là một chỉ tiêu đại diện cho tiến bộ công nghệ tác động vào tăng trưởng kinh tế. Để phản ánh đúng tiến bộ công nghệ tác động vào tăng trưởng kinh tế, thì chỉ tiêu TFP cũng chưa hoàn toàn phản ánh chính xác, vì trong TFP còn nhiều yếu tố khác ngoài yếu tố tiến bộ công nghệ. Tuy nhiên, chỉ tiêu TFP cũng đã chỉ ra được một phần mối quan hệ tác động của tiến bộ công nghệ trong tăng trưởng. Theo nhiều nghiên cứu, tất cả các nhân tố tổng hợp như thể chế kinh tế, yếu tố thị trường, trình độ khoa học công nghệ, cơ chế quản lý, tài nguyên thiên nhiên, lợi thế so sánh,… đều có vai trò đối với tăng trưởng
Phương pháp hạch toán tăng trưởng tính toán chỉ tiêu TFP
Giữa năng suất vốn và năng suất lao động cũng có quan hệ chặt chẽ: hiệu quả sử dụng vốn không chỉ phản ánh mức năng suất vốn đạt được cao hay thấp mà còn biểu hiện thông qua kết quả đạt được của năng suất lao động. Chẳng hạn khi đầu tư thêm vốn cho sản xuất thì năng suất vốn có thể có tăng, có thể không tăng hoặc thậm chí giảm đi, nhưng bù lại việc tăng thêm vốn, nâng cao mức trang bị vốn cho lao động sẽ làm cho năng suất lao động tăng lên đáng kể. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc đánh giá riêng biệt tốc độ tăng năng suất vốn hoặc tốc độ tăng năng suất lao động thì chưa đầy đủ, thiếu toàn diện, nhiều khi dẫn đến những kết luận khác nhau và thậm chí có thể còn trái ngược nhau. Vì vậy vẫn cần một chỉ tiêu năng suất đánh giá hiệu quả đạt được dựa trên tổng hợp các yếu tố đầu vào chứ không dựa trên một yếu tố đơn lẻ. Để có thể phản ánh đúng được năng suất thì phải tính được vốn và lao động kết hợp với nhau tạo ra kết quả đầu ra như thế nào. Về căn bản, khái niệm năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) là một cách đo năng suất của cả vốn lẫn lao động cùng lúc trong một hoạt động cụ thể hay cho cả nền kinh tế.
Có nhiều phương pháp khác nhau để đo lường TFP. Ví dụ, phương pháp phi tham số (gồm phương pháp bao dữ liệu và phương pháp chỉ số); phương pháp kinh tế lượng (ước lượng OLS từ hàm sản xuất Cobb-Douglass, phương pháp bán tham số và phương pháp hàm sản xuất biên ngẫu nhiên).
Phương pháp hạch toán tăng trưởng là phương pháp thông dụng được sử dụng để tính toán tốc độ tăng năng suất các yếu tố tổng hợp dựa trên các số liệu thống kê.
Khi có tốc độ tăng TFP và các tỷ lệ tăng lên của GRDP do các nhân tố tăng vốn và tăng lao động, có thể tính được tỷ phần (tỷ trọng) đóng góp của tăng TFP cũng như các nhân tố tăng vốn và tăng lao động vào tăng trưởng GRDP bằng cách chia tốc độ tăng TFP hoặc các tỷ lệ tăng lên của GRDP do tăng vốn và tăng lao động cho tốc độ tăng TFP rồi nhân với 100.
Các điểm lưu ý khi sử dụng chỉ tiêu TFP
Thực tế hiện nay cũng như ở phạm vi chung cả nước có nhiều tỉnh thành phố hiện nay đã tiến hành tính toán và đánh giá tốc độ tăng TFP cho toàn nền kinh tế ở phạm vi của tỉnh thành phố. Tuy nhiên, khi đánh giá kết quả đạt được cũng như xác định mục tiêu phấn đấu nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp thường chỉ chú trọng đến chỉ tiêu “Tỷ phần đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP - đối với toàn quốc hoặc Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP- đối với các tỉnh/thành phố)”. Nếu chỉ chú ý tới đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng GDP và GRDP sẽ có các điểm hạn chế. Các điểm hạn chế được mô tả thông qua ví dụ sau:
Sử dụng phương pháp hạch toán tăng trưởng (1) để tính tốc độ tăng TFP trong 2 năm (năm 2019 và năm 2020) của tỉnh A như bảng dưới đây:
Bảng 1: Tính toán tốc độ tăng TFP của tỉnh “A” từ số liệu thống kê
Số liệu bảng 1 cho thấy, nếu xét theo tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng GRDP thì năm 2020 có kết quả cao hơn năm 2019 (41,47% so với 33,83%), còn xét theo tốc độ tăng thì năm 2019 lại có kết quả cao hơn đáng kể so với năm 2020 (2,89 so với 1,77%).
Khi đánh giá, so sánh năng suất nhân tố tổng hợp của các năm, (cũng tương tự khi so sánh các địa phương) nếu chỉ căn cứ vào tỷ phần đóng góp của tăng TFP vào tăng GRDP thì rõ ràng năm 2020 được đánh giá cao hơn năm 2019 như vậy là chưa toàn diện và khái quát.
Thực ra trong hai năm này, tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế của tỉnh A năm 2019 có kết quả tốt hơn so với năm 2020, cụ thể là tốc độ tăng TFP cao hơn và tốc độ tăng GRDP cũng cao hơn. Còn năm 2020, mặc dù tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng GRDP cao hơn, nhưng GRDP chỉ tăng với tốc độ thấp hơn năm trước rất nhiều và tốc độ tăng TFP cũng thấp hơn của năm trước. Xét về kết quả chung thì kết quả đạt được không tốt bằng năm trước.
Từ phân tích trên cho thấy để sử dụng đúng ý nghĩa của chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp, không nên chỉ căn cứ vào tỷ phần đóng góp của tăng TFP vào tăng GDP (hoặc GRDP) cần đánh giá cả tốc độ tăng TFP và tỷ phần đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng GDP (hoặc GRDP). Bên cạnh đó, cần xem xét tổng thể chỉ tiêu TFP với các chỉ tiêu khác như tốc độ tăng GDP/GRDP năng suất lao động, năng suất vốn…
ThS. Lê Xuân Biên – Viện Năng suất Việt Nam