Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất là một trong các chương trình chứng nhận năng lực cá nhân của Tổ chức năng suất Châu Á (APO) thể hiện những nỗ lực hợp tác liên tục của APO với các Tổ chức năng suất quốc gia (NPOs). Mục tiêu của chương trình là xây dựng mạng lưới các chuyên gia năng suất trong toàn khu vực. APO sẽ đóng vai trò làm chủ chương trình, công nhận NPOs hoặc các tổ chức khác là Tổ chức chứng nhận (CBs) khi thực hiện các chương trình chứng nhận năng lực cá nhân. Phạm vi công nhận NPOs là Tổ chức chứng nhận (CBs) của APO đối với Chương trình chứng nhận năng lực cá nhân gồm: Chuyên gia năng suất, Chuyên gia năng suất xanh, Chuyên gia năng suất trong lĩnh vực công.
Việt Nam là một trong 03 nước thành viên đầu tiên (Indonesia, Malaysia, Việt Nam) được APO lựa chọn để đào tạo và hướng dẫn các thủ tục đáp ứng yêu cầu của APO đối với tổ chức chứng nhận. Với năng lực hiện có cùng sự hỗ trợ của APO, Indonesia đề xuất và được phê duyệt tiến hành nghiên cứu xây dựng Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất xanh, Việt Nam và Malaysia đề xuất và được phê duyệt tiến hành nghiên cứu xây dựng Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất.
Ngài AKP Mochtan (bên trái) – Tổng thư ký APO tham dự và phát biểu tại hội nghị trực tuyến khởi động Dự án
Các chuyên gia của Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) làm việc với chuyên gia của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) thông qua hình thức trực tuyến
Trong quá trình triển khai, Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) đã phối hợp, liên hệ chặt chẽ với Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) để nhận sự hỗ trợ từ các chuyên gia kỹ thuật của APO thông qua hình thức trực tuyến. Đồng thời, nhóm triển khai dự án cũng đã hợp tác với các cá nhân, chuyên gia trong nước giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, đào tạo, nghiên cứu và quảng bá về năng suất và chất lượng. Nhờ đó, nhóm triển khai dự án đã xây dựng được hệ thống tài liệu, các quy trình, thủ tục phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu của APO đối với tổ chức chứng nhận chuyên gia năng suất.
Một số kết quả đã đạt được:
- Báo cáo chính sách của APO, kinh nghiệm của các nước thành viên APO trong việc xây dựng tổ chức chứng nhận năng lực cá nhân trong lĩnh vực năng suất chất lượng và đề xuất kế hoạch xây dựng, phát triển Tổ chức chứng nhận chuyên gia năng suất tại Việt Nam;
- Xây dựng Quy định chung về Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất đáp ứng chuẩn mực của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO);
- Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá chuyên gia năng suất được chứng nhận theo Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất đáp ứng chuẩn mực của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO);
- Xây dựng Chương trình, tài liệu đào tạo, hướng dẫn cho ứng viên tham gia Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất đáp ứng chuẩn mực của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO);
- Tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho các ứng viên tham gia Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất;
- Tiến hành tổ chức đánh giá chứng nhận chuyên gia năng suất theo chuẩn mực của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO), theo đó đã có 08 ứng viên đáp ứng yêu cầu Chương trình chứng nhận Chuyên gia năng suất mang tầm khu vực và quốc tế.
Ông Kelvin Chan – Chuyên gia APO phỏng vấn ứng viên tham gia Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất đáp ứng chuẩn mực của APO
Có thể nói, những kết quả kể trên đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành một trong số các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2020 về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương triển khai các dự án năng suất của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), nhất là dự án chứng nhận chuyên gia năng suất. Không chỉ vậy, thành công của dự án đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển và hình thành mạng lưới chuyên gia năng suất trong nước được chứng nhận theo Chương trình chứng nhận chuyên gia năng suất của APO. Qua đó, nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong hoạt động chứng nhận chuyên gia năng suất mang tầm khu vực và quốc tế; Nâng cao kiến thức, kỹ năng, và kinh nghiệm của các chuyên gia năng suất trong nước, xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp và niềm tin trước các đối tác và các tổ chức, doanh nghiệp về Tổ chức chứng nhận chuyên gia năng suất.
Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động năng suất chất lượng trong cả nước đáp ứng mục tiêu của Chương trình quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 và đây sẽ là nền tảng để tiếp tục thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, cũng như là tiền đề để thực hiện các nhiệm vụ và giai pháp chủ yếu, đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 vê việc Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, yêu cầu thực hiện xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chuyên gia năng suất của Việt Nam; phát triển hệ thống chứng nhận, đào tạo chuyên gia năng suất của Việt Nam phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn của các quốc gia tiên tiến trong khu vực.
Nguyễn Tuyết Trinh – VNPI