Sơ lược về địa phương
Phường Hòa Hiệp, Quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng nằm ở phía Bắc của thành phố Đà Nẵng và là cửa ngõ ra vào thành phố, là Phường ven biển có 20km bờ biển, có quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc Nam xuyên suốt từ đèo Hải Vân đến khu nghỉ mát Xuân Thiều. Phía Đông giáp vịnh Đà Nẵng, phía Tây giáp Phường Hòa Liên, Hòa Bắc, phía Nam giáp Phường Hòa Khánh và khu công nghiệp Hòa Khánh.
Khối Nam Ô II thuộc Phường Hoà Hiệp. Tuy là một đơn vị hành chính của thành phố Đà Nẵng, nhưng cuộc sống của người dân ở đây vẫn mang đậm nét đặc tính của vùng nông thôn.
Khối Nam Ô 2 có 710 hộ với 3.534 nhân khẩu. Thu nhập bình quân đầu người khá thấp (dưới 200 USD/người/năm). Sản phẩm truyền thống trước đây của người dân là pháo và nước mắm Nam Ô. Trong giai đoạn trước 1995, do nghề pháo đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân nên nghề chế biến mắm dần dần bị tàn lụi. Năm 1995, thực hiện Quyết định cấm sản xuất pháo của Chính phủ, người dân ở đây đã phải chuyển sang các ngành nghề khác. Sản phẩm truyền thống là nước mắm được người dân ở đây duy trì nhưng không phát triển mạnh được.
Các vấn đề chính
Địa phương không có hệ thống rãnh thải. Nước thải từ chuồng trại được xả thải tràn lan gây ô nhiễm nước giếng, thậm chí cả với giếng sâu 7-15m. Hiện nay, 100% hộ dân sử dụng nước giếng trong sinh hoạt. Nguồn nước sử dụng được lấy từ giếng khơi và giếng khoan. 88% số hộ không xử lý nước trước khi sử dụng.
Chất thải rắn: 11,3% số hộ có phân loại riêng chất thải sinh hoạt (kim loại, giấy, thuỷ tinh...). Hiện tại, công ty môi trường đã thiết lập hệ thống thu gom chất thải rắn tại địa phương để chuyển đến bãi rác chung của thành phố xử lý nhưng mới chỉ thu gom được khoảng 40%. Điều đó xảy ra do một số hộ không tự giác đóng tiền hoặc do một số đường quá chật hẹp, xe thu gom rác không thể vào được. Tại Khối đã có 1 trạm rác trung chuyển để Công ty vệ sinh môi trường vận chuyển khoảng 2-3 ngày/lần. Số còn lại tự gom lại và đem đốt hoặc chôn trong vườn hoặc thải ra bãi đất trống tự nhiên và bờ biển gây ô nhiễm cho khu vực bờ biển.
Việc quản lý chất thải người và động vật tại địa phương rất kém. Theo kết quả điều tra có đến gần 88% số hộ không có cầu tiêu. Người dân địa phương có thói quen đi đại, tiểu tiện ra biển hoặc ngay trong vườn nhà rồi chôn lấp. Chất thải động vật ở địa phương chủ yếu là từ chăn nuôi lợn, nhưng không được xử lý hiệu quả, một số hộ chăn nuôi đã đào hầm rút ở ngay trong gia đình nhưng mùi hôi vẫn ảnh hưởng rất lớn đến các hộ chung quanh. Một số hộ khác chuyển chất thải từ chăn nuôi lợn ra đổ xuống biển.
Các vấn đề khác: Ngành nghề truyền thống tại địa phương trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Nghề pháo đã bị cấm, ngành nghề chế biến mắm không phát triển được, các hộ dân chế biến và buôn bán rời rạc, chưa có tổ chức và hoạt động qui mô.
Các giải pháp được thực hiện
- Giải pháp 1: Tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp áp dụng Năng suất xanh trong nông thôn; bảo vệ nguồn nước sạch và hướng dẫn cách thức sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; quản lý chất thải rắn; quản lý phân người và động vật;
- Giải pháp 2: Nâng cao ý thức của người dân về việc không xả chất thải, nước thải bừa bãi gây ô nhiễm cho các nguồn nước sinh hoạt tại địa phương thông qua xây dựng mạng lưới tuyên truyền vận động trong đó Nhóm Năng suất xanh làm nòng cốt. Thiết lập hệ thống quản lý hành chính trong công tác bảo vệ môi trường. Đưa ra các qui định khen thưởng, xử phạt các trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường và triển khai thực hiện trong cộng đồng dân cư. Xây dựng và áp dụng Qui ước bảo vệ môi trường;
- Giải pháp 4: Cải tạo một số giếng sinh hoạt công cộng, tránh gây ô nhiễm trở lại cho giếng nước trong quá trình sử dụng. Xây dựng nền xung quanh giếng, lắp đặt ống dẫn nước thải ra hầm rút cách xa going;
- Giải pháp 5: Xây dựng hệ thống thoát nước nhằm khắc phục tình trạng ngập lụt vào mùa mưa;
- Giải pháp 6: Cải thiện hệ thống thu gom chất thải rắn. Bao gồm việc tiến hành mở rộng và nâng cấp đường xá; Điều tra và tiến hành đăng ký với công ty môi trường đô thị số lượng hộ dân có thể thu gom; Tăng cường phương tiện và nhân lực thu gom chất thải rắn; Phối hợp với công ty môi trường đô thị lập lịch trình và thời gian thu gom hợp lý;
- Giải pháp 7: Xây dựng mô hình điểm cầu tiêu hợp vệ sinh (hầm vệ sinh hai ngăn, có hố lọc);
- Giải pháp 8: Xây dựng mô hình hầm biogas theo công nghệ Thái-Đức và công nghệ Việt nam, công suất từ 6-8m3 ; Xây dựng mô hình chuồng heo – hầm biogas.
- Giải pháp 9: Tập huấn về kỹ thuật sản xuất nước mắm, trong đó chú ý tới các yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm;
- Giải pháp 10: Thành lập đội sản xuất phát triển ngành nghề truyền thống (chế biến mắm)
- Giải pháp 11: Xây dựng mô hình bếp tiết kiệm năng lượng. Loại bếp sử dụng ít khói, giảm các tác động đối với người làm bếp, tiết kiệm từ 30-50% lượng nhiên liệu và giảm thời gian đun nấu.
Kết quả đạt được
- Tổ chức 01 khoá đào tạo nhận thức chung về Năng suất xanh và phương pháp áp dụng Năng suất xanh trong cộng đồng nông thôn.
- Tổ chức được 03 khoá đào tạo về quản lý chất thải rắn, quản lý phân người và động vật, quản lý nước sinh hoạt, nước thải,... Nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường được nâng cao rõ rệt. Từ chỗ việc đổ chất thải rắn, phân người và động vật ra bãi biển là điều bình thường, người dân đã ý thức được đây là việc làm gây ô nhiễm nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khoẻ của chính bản thân mình.
- Tổ chức được 06 đợt tổng vệ sinh tại địa phương. Đặc biệt nhân Ngày Môi trường thế giới đã tổ chức đợt ra quân dọn sạch bãi biển với hơn 400 người tham gia. Bãi biển ô nhiễm trước đây nay đã sạch hơn nhiều và dự kiến sẽ trở thành bãi tắm, du lịch của địa phương. Xây dựng 02 bảng tuyên truyền tại bãi biển nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn bờ biển xanh, sạch, đẹp.
- Đưa ra chương trình tổng vệ sinh định kỳ 2 tháng/ lần trên phạm vi toàn khối, đặc biệt là bãi biển nơi được xem là điểm nóng ô nhiễm môi trường.
- Việc xây dựng và áp dụng qui ước bảo vệ môi trường đã giúp dần dần tạo ra thói quen tốt trong việc giữ gìn môi trường sống của người dân địa phương.
- Bê tông hoá được 400m đường giao thông trong khối, kết hợp với tuyến cống thoát nước mưa dài 500m.
- Hệ thống thu gom chất thải rắn được cải thiện: đường xá được mở rộng và nâng cấp (3.000m đường) để xe thu gom có thể đến lấy chất thải, tăng cường phương tiện cho đội thu gom chất thải, điều chỉnh lịch trình thu gom. Chất thải rắn đã được thu gom có hiệu quả hơn, số hộ được thu gom chất thải rắn tăng từ 40% lên đến 80%.
- Xây dựng được 06 mô hình hầm biogas công suất từ 6 – 8m3. Xây dựng được 02 mô hình chuồng heo – hầm biogas. Phân động vật được xử lý bằng hầm biogas đem lại lợi ích cho bản thân hộ chăn nuôi và không ảnh hưởng đến các hộ xung quanh.
- Hỗ trợ xây dựng được 26 nhà vệ sinh, đồng thời người dân tự bỏ tiền ra xây dựng được thêm 50 nhà vệ sinh theo thiết kế của nhóm Năng suất xanh. Xây dựng 01 nhà vệ sinh công cộng. Triển khai chương trình giúp nhau làm nhà vệ sinh. Chương trình đã lôi kéo được đông đảo bà con tham gia, kết hợp với nhiều nguồn vốn khác nhau số hộ gia đình có nhà vệ sinh ngay càng gia tăng rất nhanh. Theo kế hoạch, chương trình sẽ triển khai trong vòng 36 tháng với mục tiêu 90% số hộ có nhà vệ sinh và chấm dứt tình trạng phóng uế ngoài bãi biển.
- Xây dựng 05 mô hình bếp tiết kiệm năng lượng, được người dân đánh giá cao.
- Tổ chức được 01 lớp tập huấn về chế biến mắm theo phương pháp truyền thống, gắn kết với an toàn vệ sinh thực phẩm.