Tin tức

Trở về

Cải tiến hiện trường sản xuất và vai trò của đội ngũ quản lý cấp trung

Hiện trường sản xuất là khu vực tập trung phần lớn các nguồn lực của doanh nghiệp, nhưng thường chỉ có khoảng 20% hoạt động là tạo ra giá trị khách hàng mong muốn, các hoạt động còn lại mặc dù tiêu tốn thời gian, không gian, nhân lực (chiếm đến 80%) nhưng lại không tạo ra giá trị khách hàng cần (lãng phí). 
Đội ngũ cán bộ quản lý cấp trung được coi là những người trực tiếp giám sát hoạt động sản xuất và điều phối nguồn lực của doanh nghiệp. Do vậy, nguồn nhân lực này cần thiết trang bị kiến thức, kỹ năng nhận diện vấn đề cũng như loại bỏ các lãng phí nêu trên, hướng đến nâng cao năng suất so với hiện tại.

Hiện trường sản xuất là khu vực tập trung phần lớn các nguồn lực của doanh nghiệp, nhưng thường chỉ có khoảng 20% hoạt động là tạo ra giá trị khách hàng mong muốn, các hoạt động còn lại mặc dù tiêu tốn thời gian, không gian, nhân lực (chiếm đến 80%) nhưng lại không tạo ra giá trị khách hàng cần (lãng phí). 
 
Đội ngũ cán bộ quản lý cấp trung được coi là những người trực tiếp giám sát hoạt động sản xuất và điều phối nguồn lực của doanh nghiệp. Do vậy, nguồn nhân lực này cần thiết trang bị kiến thức, kỹ năng nhận diện vấn đề cũng như loại bỏ các lãng phí nêu trên, hướng đến nâng cao năng suất so với hiện tại. 
 
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cấp trung có thể tiến hành cải tiến hiện trường hiệu quả và khoa học, Viện Năng suất Việt Nam tổ chức khóa đào tạo “Cải tiến hiện trường sản xuất” cuối tháng 5 vừa qua. Khóa đào tạo được thiết kế kết hợp lý thuyết với phân tích tình huống, thảo luận nhóm, thuyết trình nhóm cùng với sự hướng dẫn của chuyên gia. Bên cạnh đó, 50% thời lượng khóa đào tạo sẽ dành cho khảo sát, thực hành tại doanh nghiệp điểm do Viện Năng suất Việt Nam lựa chọn nhằm giúp học viên có thể áp dụng kiến thức vừa học vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp điểm cũng như có thể triển khai cải tiến hiện trường tại doanh nghiệp của học viên. 
 
Với thời lượng 50% lý thuyết, học viên được giới thiệu và cung cấp kiến thức về các công cụ nâng cao năng suất và cải tiến hiện trường như: phương pháp nâng cao năng suất (nghiên cứu thời gian, phân tích nghiên cứu thời gian, hoạt động cải tiến, năng lực sản xuất), phương pháp cải tiến dòng vận chuyển sản xuất , hoạt động 5S3D và PRO–3M, nhận diện lãng phí trong sản xuất (hoạt động tạo giá trị và hoạt động không tạo giá trị, nhận diện và phân tích 7 lãng phí điển hình trong sản xuất, phương pháp loại bỏ các lãng phí), phương pháp tiêu chuẩn hóa (thiết lập tiêu chuẩn hóa, thực hiện tiêu chuẩn hóa, quản lý và duy trì tiêu chuẩn). 

Một số hình ảnh về khóa đào tạo:

 

Thực hành khảo sát hiện trường sản xuất tại doanh nghiệp điểm, học viên chia thành 03 nhóm và tiến hành triển khai một số nội dung như khảo sát hiện trạng sản xuất tại khu vực điểm của Công ty để xác định dòng vận chuyển của sản phẩm và các loại lãng phí, đồng thời ghi lại hình ảnh thực tế để so sánh hiện trạng trước và sau cải tiến. Ông Tiêu Hải Đăng – Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển Thủ Đô chào mừng học viên đến với Công ty và trao đổi về các khó khăn mà Công ty gặp phải trong quá trình sản xuất; khâu, công đoạn hay xảy ra sự cố...Qua đó, Ông bày tỏ hy vọng học viên sẽ giúp Công ty nhận diện những vấn đề còn tồn đọng tại hiện trường sản xuất và đề xuất những đề án cải tiến nhằm cải tiến hiện trường sản xuất, qua đó nâng cao năng suất so với hiện trạng.

Ông Tiêu Hải Đăng - Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển Thủ Đô
trao đổi với học viên khóa đào tạo

 

Dựa trên đặc thù kinh doanh của Công ty là In offset và sản xuất bao bì carton , 03 nhóm sẽ khảo sát hiện trạng tại 03 công đoạn sản xuất: (01) công đoạn sóng + bồi, (02) công đoạn in + xén; (03) công đoạn dán + bề.

Thành viên Công ty trình bày về quy trình sản xuất của nhà máy

 

Khảo sát tại công đoạn in và xén 

 

Khảo sát tại công đoạn sóng và bồi

 

Học viên khảo sát tại công đoạn dán và bề

 

Theo đó, các nhóm đã nhận diện lãng phí và vấn đề tại hiện trường sản xuất như layout sản xuất chưa hợp lý, các cuộn nguyên liệu xếp chồng quá cao, chưa có dấu hiệu nhận biết khu vực nguyên liệu, phế liệu đổ ra sàn, công nhân phải chờ đời sản phẩm ra, một số thao tác của công nhân gây lãng phí, máy móc chưa được bảo dưỡng thường xuyên, chưa có nhận diện trực quan các ngăn để mực in… Các nhóm học viên cũng đưa ra những đề xuất cải tiến kèm theo, có thể kể đến như: bố trí mặt bằng sản xuất theo dòng chảy sản phẩm, lắp giá để nguyên liệu hoặc giảm chiều cao các chồng nguyên liệu trong kho sử dụng xe thùng để đổ phế liệu, triển khai 5S và quy định nơi để vật tư phụ trợ, bảo dưỡng máy móc định kỳ (lên kế hoạch, phân công trách nhiệm công nhân phụ trách), chuẩn hóa các thao tác cho công nhân để tránh lãng phí, thực hiện 5S3D trong khu vực in… 
 
Trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn thực hành, chuyên gia kỳ cựu - ông Cao Hoàng Long nhận định, các nhóm đã phát hiện cơ bản các vấn đề tại hiện trường sản xuất từ việc bố trí layout, kho nguyên liệu, thời gian dừng sản xuất, quá trình chuẩn bị sản xuất đến thực hành 5S, thao tác của công nhân, năng suất các công đoạn sản xuất… và cũng đã đưa ra những đề xuất cải tiến phù hợp với thực trạng. Ông bổ sung thêm một số đề xuất cho Công ty như áp dụng Lean, Kaizen, 5S để cải tiến thường xuyên, cải tiến thao tác liên quan đến con người/tự động hóa những công đoạn có thể, xây dựng tiêu chuẩn năng lực và thực hiện đánh giá năng lực định kỳ nhân viên QC, từ đó xác định nhu cầu đào tạo, huấn luyện nhân viên QC, thu thập số liệu lỗi theo từng dòng sản phẩm, từng công đoạn và từng thiết bị. Bên cạnh đó, công ty có thể áp dụng TPM (Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể) để thống kê, theo dõi và tính toán hiệu suất từng thiết bị, cụm thiết bị để cải tiến và nâng cao ý thức bảo dưỡng tự chủ của công nhân phân xưởng. 
 
Chia sẻ với giảng viên và học viên khóa đào tạo, Ông Tiêu Hải Đăng- Giám đốc Công ty cảm ơn và đánh giá cao tính khả thi về những đề xuất cải tiến mà học viên kiến nghị. Ban Lãnh đạo Công ty và người lao động quyết tâm thực hiện cải tiến và hi vọng có thể thấy được những thay đổi tích cực sau khi triển khai. 
 
Hoạt động sản xuất ngày càng phát triển kéo theo cải tiến hiện trường sản xuất ngày càng nhận được sự quan tâm từ nhiều doanh nghiệp. Theo đó, năng suất lao động sẽ được cải thiện nếu những vấn đề tại hiện trường sản xuất được doanh nghiệp nhìn nhận và tiến hành cải tiến hiệu quả. Bên cạnh đó, đào tạo cán bộ quản lý cấp trung cũng cần được đẩy mạnh khi mà họ là những người trực tiếp giám sát quá trình sản xuất và có thể nhận diện được vấn đề đầu tiên. Trong thời gian tới, Viện Năng suất Việt Nam sẽ triển khai tập huấn, đào tạo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển đội ngũ cán bộ quản lý cấp trung có thể tiến hành cải tiến hiện trường hiệu quả và khoa học. 
 
Thông tin chi tiết các chương trình đào tạo hoặc Doanh nghiệp có mong muốn thiết kế riêng các khóa đào tạo, xin vui lòng tham khảo đường link: http://vnpi.vn/dao-tao.htm hoặc trực tiếp liên hệ Phòng Đào tạo, người liên hệ: Ms. Minh: 098241 9883/ Email: vhminh@vnpi.vn/ trdvpc@gmail.com.

 

VNPI- Mai Linh