Trong khuôn khổ thực hiện Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11 tháng 1 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030 và Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030, Viện Năng suất Việt Nam đã triển khai xây dựng “Chương trình đào tạo chuyên gia năng suất đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn chuyên gia năng suất quốc gia của Việt Nam”. Mục tiêu chính của Chương trình đào tạo là hệ thống hóa các kiến thức chuyên môn về năng suất, nâng cao kỹ năng của học viên về áp dụng các công cụ, giải pháp năng suất vào thực tiễn. Học viên sau khi tham gia chương trình có năng lực thực hiện các hoạt động cải tiến năng suất đáp ứng Tiêu chuẩn TCVN 13751:2023 – Yêu cầu chung đối với chuyên gia năng suất.
Chương trình đào tạo được xây dựng đáp ứng nhu cầu kiến thức, kỹ năng của học viên đối với 04 nhóm lĩnh vực hoạt động gồm có: Tư vấn, Đào tạo, Nghiên cứu, Quảng bá. Chương trình đào tạo cũng được xây dựng theo 02 cấp độ: Chuyên gia năng suất quốc gia và Chuyên gia năng suất trưởng quốc gia.
Cấu trúc của chương trình đào tạo gồm có 04 phần chính:
Phần 1: Yêu cầu đối với chuyên gia năng suất. Phần này cung cấp kiến thức cho học viên về Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13751:2023, định hướng mục tiêu cho các ứng viên mong muốn giam gia chứng nhận Chuyên gia năng suất về kiến thức, kinh nghiệm cần phải có.
Phần 2: Kiến thức chuyên môn về năng suất. Phần này hệ thống lại các kiến thức về năng suất ở cấp độ quốc gia, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Cung cấp dữ liệu và tiêu chí đánh giá năng suất đối với từng cấp độ và quan điểm về vấn để nâng cao năng suất.
Phần 3: Các giải pháp năng suất. Đối với từng lĩnh vực, cấp độ khác nhau, học viên được hệ thống lại kiến thức về công cụ và giải pháp năng suất. Về nguồn gốc hình thành, mục đích áp dụng, các vấn đề cốt yếu trong áp dụng các công cụ, giải pháp và chia sẻ kinh nghiệm triển khai. Các học viên đăng ký khóa học dành cho Chuyên gia năng suất được đào tạo về 08 công cụ, giải pháp trong khi với khóa học dành cho Chuyên gia năng suất trưởng, số lượng công cụ, giải pháp là 15 với khối lượng kiến thức lớn hơn và chi tiết hơn.
Phần 4: Kỹ năng của chuyên gia. Phần này các học viên được hướng dẫn về kỹ năng triển khai các hoạt động đối với 04 lĩnh vực. Đây là nội dung mang tính đặc thù theo hoạt động, được xây dựng riêng biệt và tuân thủ các yêu cầu công việc theo TCVN 13751:2023.
Phần 5: Thực hành cải tiến năng suất. Học viên tham gia vào các nhóm, đến trực tiếp doanh nghiệp, tổ chức để thực hành áp dụng các kiến thức, kỹ năng được đào tạo vào một dự án thực tế. Mức độ chi tiết và phức tạp khi thực hành phụ thuộc vào cấp độ mà học viên mong muốn.
Đối tượng tham gia Chương trình đào tạo có thể là Cán bộ, nhân viên đang công tác trong các đơn vị công lập; Các cá nhân thuộc đơn vị tư vấn, đào tạo và thực hành năng suất; Các cá nhân đang tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học và viện nghiên cứu trên cả nước.
Sau khi tham gia Chương trình đào tạo chuyên gia năng suất đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn chuyên gia năng suất quốc gia của Việt Nam, các học viên có nhu cầu có thể đăng ký tham gia Chương trình Chứng nhận Chuyên gia năng suất quốc gia của Việt Nam.
Hiện nay, Viện Năng suất Việt Nam tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký tham gia khóa học và chứng nhận Chuyên gia năng suất với nhiều hỗ trợ về chi phí đối với các ứng viên thuộc các tổ chức công lập.
Viện Năng suất Việt Nam