Có rất nhiều tác động ảnh hưởng đến Năng suất lao động (NSLĐ) ở Việt Nam như là: đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; tỉ lệ cao các ngành công nghệ sản xuất thấp và trung bình; chậm chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế; tỉ lệ lao động trong nông nghiệp và lao động khu vực phi chính thức còn cao, trong khi ngành nông nghiệp và khu vực phi chính thức lại có NSLĐ thấp ở nước ta.
Những chuyên gia đầu ngành có liên quan đến lĩnh vực này cho biết, những yếu tố chính sau tác động ảnh hưởng đến NSLĐ ở Việt Nam: Còn nhiều bất cập ở trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động. Bên cạnh đó, những rào cản về cải cách thể chế và thủ tục hành chính chậm được khắc phục.
Vì vậy các chuyên gia kinh tế cho rằng, để cải thiện được NSLĐ thì điều quan trọng nhất đó là hàm lượng công nghệ và chất lượng phải được nâng cao, thay vì chỉ dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ và khai thác tài nguyên.
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: Để nâng cao NSLĐ cần phải gắn liền với chính sách tiền lương, đảm bảo cuộc sống cho người lao động. PGS.TS cũng nhấn mạnh rằng doanh nghiệp cần đảm bảo mức sống để người lao động có phần chi phí đầu tư cho học tập, tập huấn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải đầu tư công nghệ, máy móc phù hợp, đồng bộ. Bởi, nếu người lao động có tay nghề cao, nhưng thao tác trên phương tiện lao động cũ kỹ, lạc hậu, cũng không thể nâng cao năng suất.
Ths. Phạm Ngọc Thành - Trưởng khoa Quản lý lao động (Đại học Lao động Xã hội) coi nguồn nhân lực là nhân tố quyết định đến tăng NSLĐ, cần đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nhân lực. Việc nâng cao chất lượng nguồn, nhân lực thông qua đào tạo, dạy nghề cùng với những đổi mới ở cấp vĩ mô là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Theo Báo cáo “Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam giai đoạn 2012 - 2017” do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thực hiện đã đưa ra khuyến nghị “cần phân luồng sớm ngay từ cấp Trung học cơ sở để tạo chuyển biến trong nhận thức của xã hội về quyết định lựa chọn nghề nghiệp”. Bên cạnh đó báo cáo cũng nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vừa là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để tăng NSLĐ.
Theo Báo Kiểm toán số 48 ra ngày 30-11-2017