Việc áp dụng đổi mới có thể là những đổi mới nhỏ, đột phá hoặc triệt để. Với chu kỳ sống của sản phẩm ngày càng ngắn hơn, môi trường kinh doanh không ngừng phát triển, việc thúc đẩy mạnh mẽ và quản lý đổi mới đã trở nên không thể thiếu đối với tăng trưởng năng suất bền vững.
Theo đuổi sự đổi mới có thể sẽ là thách thức nếu không có sự hướng dẫn và tiêu chuẩn rõ ràng. Nhằm hỗ trợ các tổ chức thúc đẩy đổi mới một cách có hệ thống, từ năm 2019, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã ban hành một số tiêu chuẩn liên quan đến quản lý đổi mới như thuật ngữ, công cụ và phương pháp. Các tiêu chuẩn này được bao gồm trong bộ tiêu chuẩn ISO 56000 bao gồm: cung cấp cơ sở từ vựng, các khái niệm cơ bản, các nguyên tắc quản lý đổi mới, và cách tiếp cận để thực hiện quản lý đổi mới một cách có hệ thống… Bộ tiêu chuẩn này có thể được áp dụng cho tất cả các tổ chức, bất kể loại hình, khu vực, mức độ trưởng thành hoặc quy mô. Bộ tiêu chuẩn đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp này thường thiếu bí quyết công nghệ, phương pháp quản trị và nguồn lực để thực hiện các hoạt động đổi mới.
Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) phối hợp với Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) tổ chức hội thảo “Phát triển tiêu chuẩn đổi mới sáng tạo dành cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ” từ ngày 13 đến 15 tháng 10 năm 2021 theo hình thức trực tuyến. Hội thảo được tổ chức với mục tiêu nhằm phổ biến các tiêu chuẩn ISO 56000 cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm được nguyên tắc chung khi xây dựng, phát triển khả năng đổi mới của họ theo chuẩn mực chung được thừa nhận quốc tế.
Toàn cảnh hội thảo
Các diễn giả của Hội thảo là các chuyên gia về đổi mới sáng tạo, trong đó có những người tham gia trực tiếp vào quá trình soạn thảo tiêu chuẩn như TS. Eva Diedrichs, CEO của Eva Diedrichs Innovation Management Consulting, Cộng hoà Liên bang Đức; TS. Hiro Nishiguchi, CEO của Japan Innovation Network, Nhật Bản; Đại diện Tổ chức Năng suất Quốc gia Việt Nam có TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Năng suất Việt Nam.
TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trình bày tại Hội thảo
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Viện trưởng
Phụ trách Viện Năng suất Việt Nam trình bày tại Hội thảo
ISO 56000 là bộ tiêu chuẩn quốc tế về Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạoBộ tiêu chuẩn ISO 56000 tập hợp các quy trình vận hành tiêu chuẩn được thiết kế để cung cấp một khuôn khổ chung cho tất cả các tổ chức, bất kể loại hình, ngành nghề hoặc quy mô, để thực hiện thành công, duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý đổi mới.
Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 đưa ra hướng dẫn chung đối với tất cả các loại hình đổi mới, như đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quá trình, mô hình kinh doanh và phương pháp từ cải tiến nhỏ đến đổi mới triệt để, cũng như tất cả các phương pháp tiếp cận, như đổi mới nội bộ và đổi mới mở cho người dùng, thị trường, công nghệ, các hoạt động đổi mới dựa trên thiết kế, quản lý quan hệ đối tác trong đổi mới... ISO 56000 cho phép kết hợp với các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO khác nhau, như bộ tiêu chuẩn ISO 9000 về hệ thống quản lý chất lượng hay ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường, vv
Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 được thiết kế và soạn thảo bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế (International Organization for Standarlization - ISO) - cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế bao gồm các đại diện từ tổ chức tiêu chuẩn các quốc gia. Tổ chức này đã đưa ra các tiêu chuẩn thương mại và công nghiệp trên phạm vi toàn thế giới. Việc tiếp cận sớm với tiêu chuẩn ISO 56000 là cơ hội tạo ra lợi thế người dẫn đầu để vận hành quản lý đổi mới như là năng lực cốt lõi của tổ chức. Các tổ chức có thể áp dụng một cách linh hoạt để có thể hỗ trợ các sáng kiến và mục tiêu đổi mới của tổ chức trong khi vẫn có thể cải tiến các hệ thống quản lý của mình.
Vì sao doanh nghiệp nên quan tâm đến ISO 56000 và kết hợp với ISO 9000 như thế nào?
ISO 56000 giúp lãnh đạo các doanh nghiệp suy nghĩ nhiều hơn về quản lý đổi mới như cách họ quản lý sở hữu trí tuệ, cách họ duy trì kiến thức và sự hiểu biết, và cách họ quản lý các ý tưởng. Điều này không chỉ tốt cho doanh nghiệp, mà còn đối với toàn bộ hệ sinh thái quản lý đổi mới.
Với ISO 56000, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đã có quy mô và các tập đoàn đa quốc gia sẽ:
- Suy nghĩ lại về cách họ quản lý mối quan hệ với các đối tác đổi mới;
- Quản lý các phương pháp họ sử dụng để đạt được thành công trong đổi mới;
- Tìm hiểu cách thức đào tạo về quản lý đổi mới và khám phá lý do tại sao cần thực hiện các hoạt động đánh giá quản lý đổi mới.
Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 gắn chặt với ISO 9000, tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng nhằm trợ giúp các tổ chức, thuộc mọi loại hình và quy mô trong việc xây dựng, áp dụng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng (QMS) có hiệu lực. Số liệu thống kê chỉ ra rằng hơn 1 triệu tổ chức trên toàn thế giới có chứng nhận ISO 9000, khiến nó trở thành một trong những công cụ quản lý được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay.
ISO 9001 và ISO 56000 thực sự giống nhau theo nghĩa cả hai đều nhằm mục đích tạo ra giá trị cho các bên quan tâm và như vậy, rất quan trọng đối với sự thành công của một tổ chức. Các tiêu chuẩn này phụ thuộc lẫn nhau và kết nối theo nghĩa là một tổ chức có thể cần phải đổi mới để cải thiện chất lượng và đồng thời, đảm bảo chất lượng của các quá trình đổi mới của nó. ISO 56000 bổ sung cho ISO 9001 bằng cách tạo ra một mô hình hoàn chỉnh để đạt được thành công bền vững và lâu dài đối với tất cả các tổ chức.
Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 được ban hành từ năm 2019 và tiếp tục ban hành gồm các tiêu chuẩn về quản lý đổi mới sáng tạo để giúp doanh nghiệp thu được các lợi ích từ hoạt động đổi mới sáng tạo. Đến nay, có thể xác định bộ tiêu chuẩn này bao gồm:
• ISO 56002: gồm các hệ thống quản lý đổi mới và kết hợp tài liệu từ các phương pháp trước đây.
• ISO 56003: 2019 và ISO 56004: 2019 là các tài liệu hướng dẫn về quản lý đổi mới (các công cụ và phương pháp đối với quan hệ đối tác đổi mới) và Hướng dẫn đánh giá quản lý đổi mới, tương ứng.
• ISO 56003 bao gồm nhiều chủ đề khác nhau, chẳng hạn như cách các công ty khởi nghiệp hợp tác với các tổ chức lớn, quan hệ đối tác đổi mới và cân nhắc đối với các tổ chức từ thiện và các tổ chức công cộng.
• ISO 56004 cũng bao gồm các chủ đề khác nhau, chẳng hạn như đánh giá và phương pháp quản lý đổi mới để đổi mới thành công.
Tiêu chuẩn này cũng bao gồm các bộ tiêu chuẩn sau, tuy nhiên, những tiêu chuẩn này đang trong quá trình xây dựng:
• ISO 56006 bao gồm quản lý tin tức chiến lược.
• ISO 56007 bao gồm quản lý ý tưởng.
• ISO 56008 bao gồm các công cụ và phương pháp để đo lường hoạt động đổi mới.
ISO 56000 hỗ trợ các doanh nghiệp như thế nào?
ISO 56000 cung cấp đầy đủ thông tin mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần để tạo ra một hệ thống đổi mới trong các tổ chức của họ. Theo Planbox, để đạt được mục tiêu quản lý đổi mới, các doanh nghiệp cần phân tích những năng lực cốt lõi của họ trong năm lĩnh vực sau:
Chiến lược: Làm thế nào để các nhiệm vụ phù hợp với các mục tiêu đổi mới của một doanh nghiệp? Các dự án sẽ hỗ trợ và nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo ra sao? Các công ty cần có một chiến lược rõ ràng và cụ thể để quản lý đổi mới.
Văn hoá: Làm thế nào để đổi mới đóng một vai trò trong công việc hàng ngày của một doanh nghiệp? Đổi mới có phải là một phần của văn hóa của một doanh nghiệp? Hay chỉ là một suy nghĩ thoáng qua?
Quá trình: Các doanh nghiệp cần nhiều lần đánh giá thành công của họ để phát triển các chiến lược quản lý đổi mới của họ. Đổi mới không nên chỉ được nuôi dưỡng ở giai đoạn não công mà phải được nuôi dưỡng trong suốt quá trình thiết kế và phát triển cho đến khi ra mắt sản phẩm.
Công cụ và kỹ thuật: Các doanh nghiệp cũng cần sử dụng các công cụ và kỹ thuật phù hợp (và thực hành tốt nhất) khi quản lý đổi mới.
Thước đo: Tổ chức sẽ đo lường và theo dõi các chiến lược quản lý đổi mới của họ như thế nào? Họ sẽ sử dụng những KPIs nào? Những kiến thức nào sẽ được tạo ra?
ISO 56000 tạo ra nguồn thông tin duy nhất để quản lý đổi mới và giúp các tổ chức nhận ra các mục tiêu đổi mới của họ. Tuy nhiên, cũng như với các tiêu chuẩn ISO khác, các doanh nghiệp cần thực hiện một cách tiếp cận chủ động và tìm các giải pháp thực hiện một cách tự động các chiến lược đổi mới của họ, cho dù đó là quản trị, theo dõi, quản lý hoặc báo cáo.
"Nhìn vào cấu trúc đổi mới cụ thể của doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp hiểu các lĩnh vực đổi mới mình muốn theo đuổi, và có một danh mục đổi mới cân bằng sẽ giúp doanh nghiệp chắc chắn nhận được lợi ích tốt nhất đối với những khoản đầu tư của mình", TS. Hiệp nói.
Làm thế nào các doanh nghiệp có thể áp dụng hệ thống quản lý đổi mới
Các doanh nghiệp cần tối ưu hóa các hệ thống quản lý đổi mới của họ để tạo ra và truyền cảm hứng để có nhiều sáng kiến đổi mới hơn. Mọi người luôn có những ý tưởng tuyệt vời. Apple, Disney, Netflix,… những thương hiệu này bắt đầu từ một ý tưởng duy nhất mà ai đó đã có tại một thời điểm nào đó trong lịch sử. Bây giờ, các doanh nghiệp cần kết hợp với ISO 56000 để họ có thể tạo điều kiện sáng tạo tốt hơn trong các tổ chức của họ.
Hệ thống quản lý đổi mới hỗ trợ tất cả các quá trình cần thiết để tuân thủ ISO 56000. Một hệ thống quản lý đổi mới tốt sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp quản lý chiến lược đổi mới của họ để họ có thể kết nối, xử lý các con số và lập kế hoạch ra mắt sản phẩm mới sao cho không bị thất bại.
Không phải mọi hệ thống đổi mới đều được tạo ra giống nhau. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần một hệ thống linh hoạt, đáng tin cậy, cho phép phát triển kinh doanh, cho dù đó là doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc công ty đa quốc gia. Hệ thống đổi mới cần tạo ra giá trị, và cần phải khuyến khích các bên quan tâm tham gia vào.
Trên hành trình đổi mới, liệu hiệu quả đầu tư của chương trình có được tăng lên? Đến cuối cùng, điều đó chắc chắn sẽ xảy ra với chương trình đổi mới ngày một tốt hơn của doanh nghiệp. Có rất nhiều lợi ích khi triển khai một hệ thống quản lý đổi mới. Các con số thống kê chứng minh rằng các tổ chức đang rất sáng tạo, có cách tiếp cận đúng, tập trung vào các hệ thống được xây dựng để đo lường các chương trình và thành công đổi mới của họ sẽ đạt được kết quả tốt hơn với hiệu quả cao hơn nhiều.
Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 giúp các doanh nghiệp thiết lập được nền tảng để đổi mới trong doanh nghiệp của họ. Tuy nhiên, việc xây dựng một hệ thống quản lý đổi mới tốt là điều rất quan trọng, không chỉ để tuân thủ, mà còn đảm bảo rằng những ý tưởng tốt nhất luôn được nuôi dưỡng và thực hiện đúng cách./.
Viện Năng suất Việt Nam