Xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất quốc gia là một bước đầu tiên quan trọng đối với mỗi quốc gia mong muốn cải thiện năng suất đột phá và có tính chiến lược lâu dài. Cách tiếp cận của kế hoạch tổng thể mang định hướng vĩ mô, có tính chiến lược và toàn diện hơn là cách tiếp cận vi mô và từng phần. Do đó, theo kinh nghiệm xây dựng các chương trình thúc đẩy năng suất cụ thể tại các nước, kế hoạch tổng thể được xây dựng trước để thấy được bức tranh toàn diện sau đó mới thiết lập các dự án cải tiến cụ thể nhằm đạt được các kết quả tối ưu và nhanh chóng.
Trong khuôn khổ hội thảo Báo cáo các kết quả nghiên cứu và trình bày Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Lê Hoa, đã chia sẻ một số mô hình điển hình xây dựng các kế hoạch nâng cao năng suất tổng thể quốc gia của một số quốc gia phát triển và đang phát triển của Châu Á.
Kế hoạch năng suất quốc gia Nhật Bản
Ở Nhật Bản, từ khi bắt đầu phong trào Năng suất quốc gia (1955) Nhật Bản đã xây dựng các chiến lược phát triển năng suất của đất nước. Mỗi giai đoạn sẽ thiết lập phát triển năng suất phù hợp với bối cảnh. Ví dụ như, Giai đoạn từ 1955 - 1970 là giai đoạn học hỏi: Tổ chức các đoàn học tập đến Mỹ và Châu Âu để học hỏi những phương pháp quản lý tiên tiến; truyền bá kiến thức về năng suất và thiết lập các hệ thống cải thiện mối quan hệ giữa lao động và quản lý. Giai đoạn 1995 - 2015 là giai đoạn đổi mới: Hỗ trợ các chương trình đổi mới; cân bằng giữa phát triển nghề nghiệp và cuộc sống. Giai đoạn 2016 đến nay là giai đoạn mô hình tăng trưởng mới: Chiến lược phát triển thị trường mới; vượt qua hạn chế về khả năng cung ứng và thiếu hụt lực lượng lao động bằng cải tiến năng suất vượt bậc thông qua Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0); nâng cao năng lực nguồn nhân lực để tiếp nhận tái cấu trúc công nghiệp.
Kế hoạch năng suất quốc gia Hàn Quốc
Hàn Quốc cũng đã trải qua 60 năm với nhiều kinh nghiệm cải thiện năng suất nền kinh tế. Chiến lược trong giai đoạn hiện nay của Hàn Quốc là hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới mô hình quản lý năng suất để chuẩn bị và ứng phó với những thay đổi do cuộc CMCN 4.0. Những thay đổi trong xã hội tương lai do CMCN 4.0 mang lại cũng bộc lộ dần dần trong cuộc sống hàng ngày, dự kiến sẽ thay đổi cấu trúc công nghệ, công nghiệp và kinh tế trên toàn thế giới.
Kế hoạch năng suất quốc gia Singapore
Singapore đang hướng đến một chiến lược năng suất quốc gia để duy trì tăng trưởng. Phong trào năng suất được hình thành từ năm 1980 bắt đầu bằng các chương trình làm việc với các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, công nhân, đoàn thể và các tổ chức giáo dục. Singapore cũng đã hợp tác với Trung tâm Năng suất Nhật Bản để cung cấp kiến thức kỹ thuật và đào tạo.
Mặc dù thành công về phát triển kinh tế nhưng Singapore từ lâu đã gặp vấn đề tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư vốn (tăng đầu vào) thay vì tăng năng suất và thúc đẩy năng suất không được coi là trung tâm phát triển trong những năm 1990 và 2000. Nhưng gần đây, năng suất đã trở lại thành trụ cột quan trọng trong chiến lược cạnh tranh. Các chương trình hành động tập trung vào các lĩnh vực kinh tế ưu tiên cao cho cải thiện năng suất, tăng cường kỹ năng và hấp thụ công nghệ, giảm chi phí sản xuất và khuyến khích tái cơ cấu trong một số ngành công nghiệp, thiết lập các quỹ hỗ trợ cho ngành xây dựng, giao thông vận tải, dịch vụ và một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Kế hoạch năng suất quốc gia Malaysia
Ở Malaysia, năng suất là yếu tố quan trọng nhất trong tăng trưởng dài hạn. Malaysia vẫn duy trì thường xuyên việc xây dựng các chiến lược năng suất quốc gia và các kế hoạch năng suất. Gần đây nhất là kế hoạch năng suất tổng thể quốc gia lần thứ 11, trong đó hoạch định những nỗ lực đổi mới để tăng năng suất theo cách tập trung và có mục tiêu rõ ràng ở cấp quốc gia, ngành và doanh nghiệp.
Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất của Fiji giai đoạn 2021-2036
Chiến lược tăng trưởng dựa vào nâng cao năng suất là cần thiết để cải thiện năng suất một cách đáng kể cho Fiji ở bình diện quốc gia. Chiến lược này cần cách tiếp cận toàn diện để đánh giá, phân tích các yếu tố (gồm doanh nghiệp, các ngành kinh tế và cơ cấu kinh tế) và các yếu tố môi trường vi mô, môi trường vĩ mô tác động tới năng suất quốc gia. Chỉ với áp dụng phương thức này, cường độ vốn và tốc độ tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) có thể được cải thiện để nâng cao năng suất tổng thể. Điều này sẽ thúc đẩy để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 4%-5%/năm trong Kế hoạch Phát triển quốc gia 2017-2036.
Kế hoạch nâng cao năng suất quốc gia bao gồm mục tiêu bao trùm là tăng năng suất bình quân năm đạt 3,2% giai đoạn 2021-2036 và 05 mục tiêu cụ thể tương ứng với các yếu tố tác động đến năng suất lần lượt là: Mục tiêu 1- Tăng cường phát triển doanh nghiệp năng động, thích ứng nhanh và có năng suất cao kết hợp sử dụng nguồn lực hiệu quả; Mục tiêu 2- Thúc đẩy nâng cao giá trị của sản phẩm hàng hóa; Mục tiêu 3- Mở rộng các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao; Mục tiêu 4- Cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng năng suất của doanh nghiệp và của các ngành; Mục tiêu 5- Cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô hướng tới tăng trưởng năng suất bền vững.
Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất của Cam-pu-chia giai đoạn 2020-2030
Cam-pu-chia đã chuyển hướng sang một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào tăng năng suất. Chiến lược này là con đường duy nhất để Cam-pu-chia duy trì tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm nghèo và đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Cũng tương tự như với Fiji, cách tiếp cận toàn diện cần được áp dụng để phân tích và đánh giá tất cả các yếu tố tác động tới nâng cao năng suất. Những đối tượng tác động bao gồm doanh nghiệp, ngành kinh tế và cơ cấu kinh tế và các yếu tố tác động tới gồm môi trường kinh tế vi mô (lực lượng lao động, công nghệ và môi trường kinh doanh) và môi trường kinh tế vĩ mô (môi trường thể chế, cơ sở hạ tầng, sự bình ổn kinh tế vĩ mô, giáo dục và sức khỏe).
Xây dựng Kế hoạch tổng thể sẽ là bước nhảy vọt để Cam-pu-chia cải thiện mức năng suất một cách đáng kể. Mục tiêu chung được đặt ra trong Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất cho Cam-pu-chia là tốc độ tăng năng suất đạt 5,2% giai đoạn 2020-2030. Đồng thời, 5 mục tiêu định tính được đặt ra đó là: Mục tiêu 1- Các doanh nghiệp nâng cao năng suất; Mục tiêu 2- Ngành/lĩnh vực có giá trị gia tăng cao; Mục tiêu 3- Cơ cấu kinh tế của một quốc gia có thu nhập trung bình cao; Mục tiêu 4- Nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường kinh tế vi mô (môi trường kinh doanh của doanh nghiệp); Mục tiêu 5- Nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường kinh tế vĩ mô.
Trong khuôn khổ của Hội thảo báo cáo kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất, chuyên gia kinh tế Tăng Văn Khiên cũng đã chia sẻ cách tiếp cận xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Theo đó, bản Kế hoạch này về cơ bản sẽ tiếp cận theo phương pháp của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) với 3 bước chính, cụ thể là Bước một, Phân tích và đánh giá những thành tựu của Việt Nam về tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa xuất khẩu, sự ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển xã hội và mối liên kết của những yếu tố này với cải thiện năng suất. Bước hai, Xác định các nút thắt và điểm nghẽn để cải thiện năng suất. 04 nút thắt và điểm nghẽn chính đó là: (1) Thiếu vai trò dẫn dắt của Khu vực doanh nghiệp nhà nước; (2) Thiếu liên kết giữa các tập đoàn đa quốc gia và khu vực doanh nghiệp trong nước; (3) Hạn chế của hệ thống giáo dục và đào tạo; và (4) Sự thiếu liên kết của các hoạt động nghiên cứu và phát triển và đổi mới sáng tạo. Bước ba, Dựa trên các phân tích ở các bước trên, bước cuối cùng của nghiên cứu sẽ đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm chiến lược, các chính sách cụ thể để cải thiện năng suất quốc gia.
Các bước tiếp cận xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
VNPI