Phát biểu khai mạc, TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng - Phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chia sẻ Việt Nam và Malaysia là hai thành viên đầu tiên phát triển Văn phòng chứng nhận chuyên gia năng suất và được Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) công nhận là Tổ chức chứng nhận chuyên gia năng suất đáp ứng chuẩn mực của APO. Đây là hai quốc gia giúp đào tạo lực lượng chuyên gia năng suất cho các nước thành viên của APO. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh, đây chính là cơ hội để các chuyên gia có thể nhận chứng chỉ chuyên gia năng suất theo chuẩn mực quốc tế ngay trên lãnh thổ Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Bích Hằng, đại diện Văn phòng chứng nhận chuyên gia năng suất (ViProCB) đã giới thiệu về Hệ thống chứng nhận chuyên gia năng suất và chia sẻ về lộ trình để trở thành chuyên gia năng suất được chứng nhận theo chuẩn mực của APO.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phụ trách Viện Năng suất Việt Nam cho biết, để thúc đẩy phát triển mạng lưới chuyên gia năng suất tại Việt Nam và thực hiện có hiệu quả Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030, VNPI đã và đang xây dựng, hoàn thiện các chương trình đào tạo để hỗ trợ ứng cử viên đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn đối với chuyên gia năng suất theo chuẩn mực của APO. Trong thời gian tới, VNPI sẽ chuyển giao nội dung đào tạo cho các tổ chức, đơn vị có đủ điều kiện và khả năng đào tạo chuyên gia năng suất.
Với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đào tạo được khoảng 1.000 chuyên gia năng suất, trong đó có khoảng 200 chuyên gia năng suất được chứng nhận theo chuẩn mực quốc tế, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ tăng cường hỗ trợ VNPI, ViProCB và các tổ chức, đơn vị đào tạo hoạt động trong lĩnh vực năng suất chất lượng để triển khai các chương trình, dự án đào tạo chuyên gia năng suất Việt Nam được chứng nhận theo chuẩn mực của quốc tế.
Tuyết Trinh