Hơn 60 năm nỗ lực không ngừng để xây dựng thương hiệu, đến nay Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về sản xuất sản phẩm và thiết bị chiếu sáng. Doanh nghiệp nằm trong Top 50 thương hiệu giá trị của Việt Nam năm 2020. Công ty hiện có quy mô hơn 2000 lao động, 02 nhà máy sản xuất lớn tại Hà Nội và KCN Quế Võ, Bắc Ninh.
Trong kế hoạch phát triển năm 2020, Công ty xác định phải chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và tiến hành chuyển đổi số, với khát vọng năm 2025 doanh thu tăng 4 lần, tới năm 2030 Rạng Đông vươn lên hàng doanh nghiệp "tỷ đô". Để đạt được mục tiêu này, Rạng Đông đã xây dựng có một chiến lược phát triển bài bản, áp dụng các hệ thống quản trị hiện đại, các công cụ cải tiến, các giải pháp hiệu quả để nâng cao năng suất chất lượng tại doanh nghiệp
Trong giai đoạn 2019-2020, trước bối cảnh thay đổi nhanh chóng của công nghệ, cạnh tranh, yêu cầu khách hàng và áp lực tăng trưởng trong bối cảnh mới, ban lãnh đạo công ty hiểu rõ nếu không thay đổi mạnh mẽ, toàn diện thì Rạng Đông không thể phát triển. Sau khi tiến hành đánh giá thực trạng, nhóm tư vấn đã trao đổi thống nhất với lãnh đạo công ty Rạng Đông tiến hành triển khai dự án nâng cao năng suất chất lượng tổng thể tại Công ty tại toàn bộ các xưởng, mỗi xưởng lựa chọn thiết bị, dây chuyền, khu vực điểm để cải tiến.
Công ty triển khai áp dụng mô hình TPI theo hướng dưới đây:
- Định hướng của Rạng Đông:
Thúc đẩy nhanh chuyển đổi số nhằm tạo động lực phát triển mới mạnh mẽ thích ứng với thời đại I-4.0 và kinh tế số hóa,thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược đưa công ty phát triển nhanh và bền vững trong trạng thái bình thường mới. Đến 2025, doanh thu sản phẩm LED đạt tăng gần 2-3 lần 2018, năng suất lao động tăng 2 lần, tỷ lệ nội địa hóa 50-60%, tỷ lệ xuất khẩu đạt 25-30%.
- Chuyển từ công ty sản xuất sang công ty phụng sự khách hàng (thấu cảm và chia sẻ giá trị)
- Không ngừng cải tiến kỹ thuật, công nghệ để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, kiểu dáng đẹp, giá cả hợp lý.
- Luôn coi trọng sáng kiến, cải tiến hợp lý hóa trong sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
- Phát triển với mô hình 1 trục và 2 cánh: trục là phát triển con người Rạng Đông, 2 cánh là: (1) Đổi mới công nghệ sản xuất; (2) Đổi mới công nghệ quản trị.
Để thực hiện các cam kết trên các trụ cột quan trọng bao gồm:
- Luôn lắng nghe ý kiến khách hàng để thấu hiểu và đáp ứng
- Cải tiến công nghệ và thiết bị làm nền tảng tạo chất lượng ổn định và đáp ứng các tính năng mới của sản phẩm;
- Tối ưu hóa vận hành nhằm giảm thiểu lãng phí và gia tăng giá trị;
- Thường xuyên cập nhật tri thức và các công nghệ quản trị tiên tiến để cải tiến liên tục hệ thống quản lý sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng;
- Xây dựng môi trường làm việc đoàn kết, năng động và sáng tạo – phát huy tinh thần và văn hóa Rạng Đông.
Mô hình TPI của Rạng Đông
Đột phá công nghệ, thay đổi tư duy
Trong chiến lược phát triển của mình, Rạng Đông luôn đề cao sự đổi mới sáng tạo. Từ hơn 20 năm về trước, Công ty đã triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001, quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001. Bắt đầu từ năm 2016, Công ty đã tiếp cận và áp dụng các công cụ cải tiến vào sản xuất như 5S, Lean, Kaizen, 6 Sigmaz BSC, TPM. Đến năm 2019-2020, Công ty chính thức tham gia dự án Mô hình Năng suất tổng thể do Viện Năng suất Việt Nam triển khai từ nguồn hỗ trợ của Bộ Công Thương.
Lựa chon các trụ cột là khách hàng, thị trường, giảm lãng phí, quán lý sản xuất, đổi mới công nghệ thiết bị, phát triển năng lực, và đổi mới sáng tạo, chỉ trong thời gian ngắn áp dụng các giải pháp của năng suất tổng thể, Công ty đã đạt được những kết quả không ngờ.
Ông Nguyễn Hoàng Kiên – Quản đốc Phân xưởng LED, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, phong trào sáng kiến cải tiến đã được lãnh đạo Công ty chú trọng từ nhiều năm trước. Trong chiến lược phát triển của Công ty cho mục tiêu một doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ chiếu sáng thế hệ mới, thích ứng với CMCN 4.0 và chuyển đổi số, Công ty cũng dành rất nhiều sự đầu tư cho đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hướng tới một thương hiệu chiếu sáng tầm cỡ quốc tế trong tương lai gần.
Công ty thực hiện cải tiến nâng cao năng suất bằng cân bằng chuyền, giảm lãng phí, hợp lý hóa sản xuất, tối ưu hóa các thao tác, kết quả đạt được của giai đoạn này có những dây chuyền năng suất tăng tới 30%, trong khi trước đó chỉ tăng 5-7% cũng là rất khó. Trên cơ sở các bộ công cụ riêng lẻ, Rạng Đông đã xây dựng được bộ công cụ cải tiến tích hợp, tạo bước đột phá về năng suất, phá vỡ hiện trạng để hướng tới những mục tiêu cao hơn. Một ví dụ điển hình là dây chuyền máng M36 trước kia năng suất dây chuyền: 3500 sp/21 người/11h, cải tiết tối ưu hóa giai đoạn 1, dây chuyền thủ công sau 1 tháng áp dụng giải pháp đã tăng: 5500 sp/21 người/10h (26.2): tăng 173%. Giai đoạn 2, tự động hóa dây chuyền: 10000 sp/17 người/10h (58.8) tăng 389%. Doanh thu SP bộ đèn LED M36 quý 2 và 3/2020: 74 tỷ đóng góp 15% doanh thu so với cùng kỳ.
Không chỉ đạt được tăng năng suất dây chuyền mà qua quá trình cải tiến nhóm dự án đã tự thiết kế và chế tạo dây chuyền sản xuất tự động do chính đội ngũ cán bộ kỹ sư của Rạng Đông thực hiện.
Hình ảnh dây chuyền sản xuất tự động Make in Rang Dong
Tương tự như Phân xưởng LED, Phân xưởng Phích nước cũng có những công trình cải tiến thay đổi diện mạo của Công ty mà trước kia Công ty chưa bao giờ nghĩ đến. Đó là các lò nấu thủy tinh của Phân xưởng đều là lò nấu bằng các nhiên liệu hóa thạch. Nhưng khi áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, lãnh đạo Công ty đã có một góc nhìn khác, đó là đầu tư công nghệ hoàn toàn mới, lò nấu thủy tinh bằng điện, sản xuất xanh, bảo vệ môi trường. Ông Mai Hữu Đại – Quản đốc Phân xưởng Phích nước cho biết, năm 2019, Công ty đã đầu tư 02 lò thủy tinh nấu điện với công nghệ không ống khói. Ngay lập tức, hiệu suất sử dụng năng lượng từ 25% đã tăng lên 95%. Từ công nhân đến quản lý đều phải học lại cách vận hành máy, nhưng chỉ trong vòng 2 tháng, đội ngũ CBCNV của Phân xưởng đã làm chủ được công nghệ vận hành bình thường đưa vào hiệu quả.
Ông Đại cho biết, từ khi chuyển sang dùng lò điện, chất lượng sản phẩm đồng đều ổn định, hiệu suất nấu tăng, trước 1 lò 20m3 chỉ nấu được 25 tấn thủy tinh, thì nay lò 18m3 nấu được 36 tấn thủy tinh, con số này đã cho thấy rõ tính hiệu quả của việc đầu tư lò nấu thủy tinh bằng điện.
Tập trung xây dựng nhóm cải tiến điển hình
Tâm lý người lao động thường không muốn thay đổi. Tuy nhiên, với ý chí của lãnh đạo, Rạng Đông đặc biệt coi trọng việc tuyên truyền để người lao động hiểu, cải tiến là việc làm thường xuyên, liên tục và tất yếu của quá trình phát triển. Cải tiến để có kỹ năng tốt hơn, năng suất cao hơn, lương thưởng tốt hơn, do đó, các sáng kiến cải tiến là bắt buộc và được đưa vào là một trong số những tiêu chí xét thưởng tháng, quý, năm. Hai nhóm cải tiến điển hình được triển khai trong Dự án Mô hình năng suất tổng thể là tại Phân xưởng LED và Phân xưởng Phích nước.
Ông Kiên chia sẻ, Công ty không tham triển khai cải tiến trên toàn bộ dây chuyền sản xuất cùng một lúc mà đi theo nguyên tắc xây dựng từ những nhóm điển hình, dây chuyền nào dễ làm nhất thì tập trung tối đa vào đó cải tiến rồi nhân rộng. 12 bước cải tiến được phổ biến đến 100% các dây chuyền để tất cả đều nắm vững, tự thấy cải tiến là cần thiết, là liên tục. Mỗi dây chuyền sẽ có vài người nắm rất rõ về kỹ thuật, nêu được các tồn tại và sau đó, những người khác sẽ đóng góp ý kiến để giải quyết các tồn tại đó. Cứ theo cách này để đào tạo dần thành các nhóm cải tiến và nhân rộng sang các chuyền khác. Đây cũng là cách để Rạng Đông chuẩn bị đội ngũ khi tiếp cận với chuyển đổi số, không ai bỡ ngỡ mà nhanh chóng bắt nhịp với yêu cầu mới về cả công nghệ và vận hành.
Ông Kiên đưa một ví dụ điển hình là Dây chuyền lắp ráp LED Bulb 7W,9W của Phân xưởng LED đã được chia ra làm 3 giai đoạn cải tiến kể từ khi bắt đầu áp dụng các công cụ đầu tiên, bao gồm:
+ Giai đoạn 1: Nhiệm vụ trọng tâm là cải tiến nâng cao năng suất lao động, cân bằng dây chuyền, giảm 7 lãng phí và thực hiện các Kaizen nhỏ, chuẩn hóa quy trình, chuẩn hóa các công đoạn lắp ráp. Năng suất lao động tăng ~ 33%
+ Giai đoạn 2: Thực hiện cải tiến sản phẩm, kết cấu lắp ráp và bước đầu đưa tự động hóa vào trong quá trình sản xuất. Từ 17 lao động dây chuyền đã giảm xuống 12 lao động, sản lượng tăng từ 10.000 lên 12.000, ước giảm chi phí khoảng 625 triệu đồng/năm và giảm chi phí đầu tư dây chuyền khoảng 1,2 tỉ đồng. Năng suất lao động tăng 70% so với mốc ban đầu.
+ Giai đoạn 3: Đột phá về năng suất. Các kỹ thuật viên của Xưởng đã thiết kế 01 dây chuyền tự động hóa, liên hoàn dây chuyền từ quá trình lắp ráp, luyện, bao gói. Tự động hóa đến 70% các công đoạn lắp ráp với ý tưởng đột phá thiết kế dây chuyền kép. Sản lượng đạt 22.000 sản phẩm/ca/11 lao động. Năng suất tăng gấp 5 lần so với cũ. Quá trình sản xuất liên hoàn, đưa công nghệ thông tin vào áp dụng: Hệ thống cảnh báo sớm QEWS, Kiểm soát chất lượng Online, ISO online. Tiếp tục thực hiện các công cụ TWI áp dụng vào dây chuyền này để phân tích giảm lỗi và nâng tỷ lệ hợp cách lên 99%.
Kết quả cải tiến thu được của dây chuyền lắp ráp đèn LED Bulb – được nhân rộng ra các dây chuyền khác như Lắp ráp Led Bulb khác, Downlight, Tube, Đèn Led công suất cao, Bộ đèn Led...
Sau một loạt các giải pháp cải tiến, năng suất lao động tại các chuyền tăng bình quân 30-50%. Cá biệt có những dây chuyền tăng trên 200% năng suất.
Công tác chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ với những ứng dụng để sản xuất sản phẩm có giá trị khác biệt, trúng tâm lý khách hàng, tăng nhanh về sản lượng và doanh thu. Công nghệ số còn phát huy hiệu quả trong công tác thị trường, tiếp cận khách hàng qua các ứng dụng mô phỏng 3D, có gian hàng ảo trên mạng để khách trải nghiệm không gian ánh sáng thông minh mà Rạng Đông mang lại thay vì phải đến showroom để tham quan, cũng như tích hợp các tính năng của hệ thống chiếu sáng thông minh trên các app điều khiển từ điện thoại di động… nhờ đó doanh thu của các sản phẩm mới tăng vọt.
Công nghệ in 3D, rút ngắn thời gian thiết kế sản phẩm, trước 4-5 tháng/sản phẩm, nay chỉ 2 tháng có thể ra sản phẩm thương mại từ thiết kế, nghiên cứu sản phẩm, lấy ý kiến khách hàng đến ra thị trường. Khi số hóa, thực hiện kết nối các dữ liệu, phân tích tự động xử lý, quy trình nâng cao… chính là mảnh đất màu mỡ cho các sáng kiến cải tiến được phát huy tác dụng tối đa.
Tương tự, tại Phân xưởng Phích nước, trên tinh thần lựa chọn thiết bị chủ lực quyết định năng suất của dây chuyền để làm điểm, sau đó nhân rộng, chỉ trong một thời gian ngắn triển khai Mô hình năng suất tổng thể, đến 20/9/2020, năng suất lao động khâu sản xuất ruột nối thân tăng 15% so với quý 4/2019. Phân xưởng đã sản xuất được sản phẩm 2545; 3545 có đường kính lớn (165mm), biên dạng khó; Bên cạnh đó, các cải tiến đã góp phần giảm giá thành công xưởng 5% so quý 4/2019, trong khi giá một số nguyên liệu đầu vào tăng cao như bạc, điện...
Tại khâu phích hoàn chỉnh, năng suất lao động đã tăng 10% so với quý 4/2019. Riêng khâu ép nhựa tăng 12%; Giảm giá thành công xưởng 5% so quý 4/2019; Hoàn thành việc bố trí hợp lý hóa mặt bằng sản xuất khâu ép nhựa, sản xuất vỏ và lắp ráp phích.
Nhờ đó, chất lượng các sản phẩm phích nước Rạng Đông ngày càng ổn định, Công ty đã duy trì xuất khẩu phích vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… Môi trường làm việc được cải thiện đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, không ồn, không bụi, rất an toàn cho người lao động.
Xây dựng và triển khai hệ thống khuyến khích ý tưởng cải tiến đổi mới sáng tạo
Thông qua các dự án cải tiến, các nhóm cải tiến đã có thêm các kiến thức và kinh nghiệm về các hoạt động cải tiến năng suất doanh nghiệp. Nhưng điều quan trọng hơn, đó là xây dựng được văn hóa cải tiến để các hoạt động cải tiến, đổi mới được thực hiện liên tục. Điều này rất cần tinh thần, nhiệt huyết của cán bộ nhân viên trong công ty, nhưng chỉ tinh thần, nhiệt huyết của các nhân thì chưa đủ, mà cần có một hệ thống khuyến khích tinh thần cải tiến, đổi mới.
Để huy động sự tham gia của người lao động trong các hoạt động cải tiến, công ty đã xây dựng cơ chế khuyến khích cải tiến. Việc đánh giá các cải tiến, khuyến khích bằng tiền, khuyến khích bằng các phần thưởng cũng đã được đưa vào quy chế rõ ràng và được sự nhất trí của các cán bộ nhân viên.
Giải thưởng được trao cho cá nhân hoặc nhóm vào ngày trao giải vào 03 đợt: (1) Kỷ niệm ngày thành thành lập công ty và Bác Hồ về thăm công ty (28/4); (2) Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10); (3) Ngày Tổng kết hàng năm.
Trao phần thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc
Phát động “ngày sáng tạo” tại Rạng Đông
Ngoài các hoạt động định kỳ, Ban lãnh đạo công ty chỉ đạo Công đoàn công ty phát động: Ngày sáng tạo tại Rạng Đông để thi đua các cấp, các ngành, toàn thể từ lãnh đạo đến cán bộ, công nhân viên hăng hái thi đua vượt mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành các mục tiêu trong bối cảnh khắc nghiệt vừa đảm bảo sản xuất liên tục, tăng trưởng vừa khắc phục hậu quả sau vụ cháy (9/2019) và ảnh hưởng do dãn cách xã hội và đứt gãy nguồn cung, hạn chế chi tiêu của đại dịch Covid năm 2020.
Một số hình ảnh về ngày hội sáng tạo Rạng Đông, như một điểm sáng độ phát về cách thức khơi gợi sự đổi mới sáng tạo của toàn thể cán bộ nhân viên của Rạng Đông và của dự án.
Theo số liệu báo cáo mới nhất của Công ty, 9 tháng năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-2019 nhưng Công ty vẫn đạt mức doanh thu trên 2500 tỷ, thu nhập bình quân trên 13 triệu/người/tháng. Chỉ từ đầu năm tới nay đã có 837 ý kiến đổi mới sáng tạo, trong đó đưa vào áp dụng trên 70%.
Công ty cũng là đơn vị đứng trong Top 50 thương hiệu giá trị của Việt Nam năm 2020; Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, Doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng liên tục trên 15% trong suốt 25 năm liên tục, có năng suất lao động bình quân cao nhất trong ngành… chính là nhờ chiến lược phát triển bền vững mà Công ty đang theo đuổi./.