Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng: gần đây là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do VN- EU (EVFTA); Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA.... Tham gia các hiệp định kinh tế quốc tế trên, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức của việc nâng cao năng suất, tăng cường khả năng cạnh tranh và cải tiến chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2019 với kỳ vọng mang lại động lực phát triển mới cho nhiều ngành kinh tế cũng như xuất khẩu. Các hiệp định FTA với các nước CPTPP sẽ giúp cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Việt Nam cũng có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng được hình thành trên nền tảng thành tựu vượt bậc của cuộc cách mạng thứ ba, xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa – rô bốt, và kết nối vạn vật Internet. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên thế giới đã tạo nên những thay đổi rất lớn trong phát triển kinh tế toàn cầu. Cuộc cách mạng này đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị tự phát và mô hình kinh doanh cũ.
Với sự hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, chắc chắn cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế của Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu trong nước đã nhận định rằng cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đem lại cơ hội cho Việt Nam thu hẹp dần khoảng cách về năng suất với các nước. Tuy nhiên, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam, khi nền sản xuất công nghiệp dựa vào gia công và thâm dụng lao động đang chiếm phần lớn trong trong các doanh nghiệp sản xuất.
Trong nền công nghiệp 4.0, việc tìm hiểu và nghiên cứu các giải pháp đổi mới sáng tạo để thúc đẩy nâng cao năng suất của các doanh nghiệp Việt Nam là rất cần thiết để giúp các doanh nghiệp Việt Nam đón đầu công nghệ mới, đưa cuộc cách mạng công nghiệp thành cơ hội đổi mới cho doanh nghiệp khi việc ứng dụng các công nghệ thông tin và tự động hóa các quá trình kinh doanh còn yếu ở hầu hết các doanh nghiệp hiện nay… Trong bối cảnh đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm toàn bộ các giai đoạn từ khâu thiết kế sản phẩm, cung ứng nguyên, phụ liệu, sản xuất, xuất khẩu và marketting; đến đổi mới phương thức, mô hình quản trị sản xuất, kinh doanh; đổi mới cách tiếp cận đến các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng cho phù hợp với cuộc cách mạng 4.0. Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp thì sự hỗ t,rợ của Nhà nước ở giai đoạn hiện nay về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh; nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa là hết sức cần thiết.
Ở góc độ vĩ mô, ĐMST giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, đồng thời là yếu tố không thể thiếu góp phần tạo thêm việc làm. Tri thức và sáng tạo đang trở thành yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Các hoạt động ĐMST ngày càng được các quốc gia trên thế giới quan tâm và đầu tư.
Tại Việt Nam, ĐMST được xem là một trong những mục tiêu tăng trưởng phát triển thiên niên kỷ đến năm 2030. Xác định rõ vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, Nghị quyết số 19 của Chính phủ đã khẳng định Việt Nam cần phải “nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực”. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về đổi mới sáng tạo, phát triển và nâng cấp hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo, khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Nhờ các chỉ đạo và hành động quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trên cả nước, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng về ĐMST. Năm 2019, chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) của Việt Nam đã tăng 3 bậc lên vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế (năm 2018 là 45/126). Với thứ hạng này Việt Nam vươn lên thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia.
Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) là tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, liên chính phủ được thành lập vào ngày 11 tháng 05 năm 1961. APO là tổ chức duy nhất tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có nhiều hoạt động triển khai giúp nâng cao năng suất, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội bền vững của khu vực. Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APO từ ngày 01 tháng 01 năm 1996. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) được ủy quyền là đại diện thường trực của Việt Nam tại APO và là đầu mối tổ chức thực hiện các chương trình, dự án của APO, các dự án hợp tác song phương với các Tổ chức năng suất quốc gia thành viên APO. Tính đến thời điểm hiện tại, APO có 20 nền kinh tế thành viên gồm: Ấn Độ, Campuchia, Bangladesh, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hong Kong, Indonesia, Iran, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Nepal, Nhật Bản, Pakistan, Fiji, Philippines, Singapore, Thái Lan, Sri Lanka và Việt Nam.
Năm 2008, tại Cuộc họp lần thứ 58 của Ban chấp hành APO, Ban chấp hành đã thống nhất thành lập các Trung tâm xuất sắc (COE- Centre of Excellence) trong các lĩnh vực mà các nền kinh tế thành viên có thế mạnh hoặc chuyên môn vượt trội nhằm chia sẻ kiến thức, thực hành tốt góp phần thúc đẩy năng suất tại các nền kinh tế thành viên và khu vực. Cho đến nay, APO đã thành lập 05 COE đặt tại các nền kinh tế thành viên bao gồm: COE về mô hình kinh doanh hoàn thảo (COE on Business Excellence) tại Singapore, COE về năng suất xanh (COE on Green Productivity) và sản xuất thông minh (COE on Smart Manufacturing) tại Đài Loan (Trung Quốc) và COE về Năng suất khu vực công (COE on Public-sector Productivity) tại Philippines, COE về công nghệ thông tin phục vụ công nghiệp 4.0 (COE on IT for Industry 4.0) tại Ấn Độ.
Hiện tại, ĐMST được APO xem là yếu tố then chốt trong thúc đẩy năng suất tại các nền kinh tế thành viên. APO hiện đang xây dựng Tầm nhìn và Chiến lược phát triển mới đến năm 2025, trong đó phát triển năng suất dựa trên ĐMST được xem là mục tiêu hàng đầu, là động lực giúp phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững tại các nền kinh tế thành viên và trong khu vực. Ấn tượng trước các hoạt động và thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc đẩy mạnh hoạt động ĐMST, tại cuộc họp song phương bên lề Hội nghị Lãnh đạo các tổ chức năng suất quốc gia (WSM) tổ chức tại Đài Loan (Trung Quốc) từ ngày 22-24/10/2019, Tổng thư ký APO, TS. Achmad Kurnia Prawira Mochtan đã chính thức đề nghị Việt Nam (với tư cách là Chủ tịch APO năm 2020) trở thành nền kinh tế thành viên thứ 5 của APO có COE trong nhiệm kỳ 2019-2022. Đề nghị trên đã tiếp tục được Tổng thư ký APO đề cập với Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhân chuyến làm việc của Tổng thư ký APO tại Việt Nam vào tháng 12/2019.
Năm 2018 Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã thành lập Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại 2 đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ (NISTPASS) và Trường Quản lý khoa học và công nghệ (MTI). Học viện này là cơ sở nghiên cứu khoa học công lập trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ, thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tư vấn, cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ.
Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm triển khai nhiệm vụ này và được nêu tại Nghị quyết 01-2020/NQ-CP và Chỉ thị số 07 CT-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2020 về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, theo đó yêu cầu Bộ KH&CN: “Khẩn trương triển khai các dự án năng suất của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) ...., tham gia các dự án Trung tâm xuất sắc của APO.
Về mô hình hoạt động, COE của Việt Nam dự kiến sẽ đóng vai trò như một nơi kết nối chuyên gia và nơi sẽ tiến hành các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn đánh giá trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất. Nhìn chung, để thành lập COE không cần phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mà chỉ cần đầu tư một số nguồn lực cơ bản để thiết lập và duy trì một trang web cho phép các nền kinh tế thành viên APO kết nối và truy cập thông tin về các sự kiện, kiến thức liên quan. Duy trì cơ sở dữ liệu các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và tổ chức các đoàn chuyên gia đến hỗ trợ các nền kinh tế thành viên trong việc xây dựng các chính sách, năng lực liên quan và đón các đoàn vào học tập và tổ chức các khóa đào tạo, hội nghị liên quan cho các nền kinh tế thành viên. Mọi hoạt động liên quan đến lĩnh vực của COE do APO đề xuất hoặc các nền kinh tế thành viên đề xuất sẽ được triển khai thông qua COE này.
Việc tham gia đầy đủ và có hiệu quả vào các chương trình, dự án của APO, Tổ chức Năng suất quốc gia sẽ tiếp tục được: tăng cường năng lực chuyên gia NSCL Việt Nam, nhất là năng lực tiếp cận với các công cụ, giải pháp mới nâng cao NSCL trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nâng cao vai trò của Tổ chức Năng suất quốc gia trong APO; nghiên cứu để xây dựng các cơ sở pháp lý cho hoạt động năng suất chất lượng và hoạt động APO tại Việt Nam...
Như vậy, cho đến nay các COE được thành lập ở Việt Nam chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu những đề tài, dự án cụ thể, chưa có COE nào được thành lập nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp Việt nam nâng cao năng suất thông qua các hoạt động đổi mới sáng tạo. Học viện Đổi mới và Sáng tạo chủ yếu thực hiện chức năng nghiên cứu về khoa học và công nghệ, đào tạo các trình độ khác nhau liên quan đến quản lý khoa học công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo được thực hiện chủ yếu tập trung vào hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, chưa có hoạt động nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp Việt nam thực hiện đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất.
Từ những phân tích như trên, việc triển khai xây dựng COE về ĐMST thúc đẩy năng suất sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao vai trò của Việt Nam trong APO và thể hiện sự tích cực, đóng góp chung vào sự phát triển chung của khu vực trong năm Chủ tịch APO 2020. Ngoài ra một trong những cơ chế rất quan trọng để thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất ở Việt Nam là việc thành lập ra một COE hoạt động theo các nguyên tắc và phương pháp luận của APO, một đơn vị hoạt động khoa học, nhằm mục tiêu tạo ra sự xuất sắc trong đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy năng suất là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh của Việt Nam trong và sau đại dịch toàn cầu COVID-19.
COE về đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất sẽ hoạt động với mục tiêu nghiên cứu tổng hợp các phương pháp quản trị, các kinh nghiệm thực hiện đổi mới nhằm nâng cao năng suất tại một số nước trên thế giới, sau đó chia sẻ, đào tạo và tư vấn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất. Hoạt động này chưa có COE nào ở Việt Nam thực hiện.