Tin tức

Trở về

Tương lai của phát triển kinh tế dựa trên sản xuất

Trong tương lai, sự phát triển kinh tế phụ thuộc vào sản xuất chế tạo chắc chắn gặp rất nhiều thách thức

Cuối tháng 9 vừa qua, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cùng Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức Hội thảo “Tương lai của phát triển kinh tế dựa trên ngành công nghiệp chế tạo” nhằm nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi khoa học giữa các chuyên gia trong và ngoài nước về tương lai sản xuất toàn cầu trong bối cảnh Việt Nam đang giai đoạn chuyển đổi ngành công nghiệp sang hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời giới thiệu cuốn sách “Sự thách thức đối với sản xuất? Tương lai của phát triển kinh tế dựa trên sản xuất chế tạo”. 
 
Tham dự Hội thảo Công bố Sách có PGS, TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) tại Việt Nam; Bà Mary C. Hallward–Driemeier và Ông Gaurav Nayyar, hai tác giả của cuốn sách; TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; cùng đại diện Lãnh đạo các Ban chức năng, các chuyên gia và nhà nghiên cứu cao cấp, các nghiên cứu viên đến từ các viện nghiên cứu và đại diện các cơ quan khác … 

PGS.TS Đặng Nguyên Anh - Phó Viện trưởng Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

 

PGS, TS. Đặng Nguyên Anh - Phó Viện trưởng Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng việc làm và năng suất là hai yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Trong tương lai, sự phát triển kinh tế phụ thuộc vào sản xuất chế tạo chắc chắn gặp rất nhiều thách thức. Bối cảnh sản xuất trong tương lai chịu sự tác động của rất nhiều xu hướng lớn - bao gồm thay đổi về dân số, đô thị hóa và biến đổi khí hậu - thì sự phát triển của công nghệ và xu hướng mới của toàn cầu hóa vẫn sẽ tiếp tục là những yếu tố chính tác động đến bản đồ địa lý của sản xuất. Trong những năm gần đây, bức tranh nền công nghiệp chế tạo thế giới đã có những chuyển biến nhất định. Xu hướng công nghệ và toàn cầu hóa đã làm thay đổi sản xuất toàn cầu.

PGS, TS. Đặng Nguyên Anh cũng cho rằng Công nghệ và toàn cầu hóa ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất, đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển. Việt Nam đang tiếp cận gần hơn bao giờ hết với công nghệ 4.0. Với Việt Nam, nền sản xuất chưa thay đổi nhiều nhưng tương lai chắc chắn có nhiều bước tiến. Tuy nhiên, cuộc cách mạng 4.0 sẽ dần thay thế con người bằng máy móc, có thể khiến hàng ngàn lao động không còn việc làm. Chúng ta lo sợ rằng những ngành Công nghiệp truyền thống như da giày, dệt may hay những ngành cần nhiều lao động sẽ có nguy cơ biến mất. Ngành công nghiệp chế tạo sẽ chuyển sang tự động hóa. Không ai nghi ngờ Công nghệ số hóa sẽ đem lại nhiều sự thay đôi, bước tiến và sự thịnh vượng, tuy nhiên nhiều người tin rằng công nghệ dù có đột phá cũng không bao giờ thay thế được con người. Lĩnh vực sản xuất, chế tạo vẫn cần bàn tay của con người. Qua đó, Việt Nam mong muốn nắm bắt kịp thời cơ hội, là một trong những toa tàu đầu tiên trong “con tàu” tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời cần tái cơ cấu lực lượng lao động và sản xuất, tái phân bổ trong nội bộ, đây là những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực sản xuất để đảm bảo tăng trưởng, tiến bộ… Ông hi vọng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chứ không chịu sự đào thải. Và muốn không đào thải, Việt Nam cần có những cách tiếp cận mới cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho những sự thay đổi mạnh mẽ về công nghiệp sản xuất chế tạo trong tương lai.

 

Tác giả Mary Hallward - Driemeier trao đổi về những thách thức đối với sản xuất truyền thống

 

Cũng có mặt tại buổi hội thảo, bà Mary Hallward – Driemeier - tác giả cuốn sách đã giới thiệu một số kết quả chính của cuốn sách. Bà cho rằng cho việc phát triển kinh tế dựa vào sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn. Với bối cảnh công nghiệp mới và toàn cầu hóa thay đổi mạnh mẽ, các “doanh nghiệp truyền thống” sẽ không thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng việc làm dựa trên sản xuất tại các nước đang phát triển; các cơ hội tạo thu nhập, việc làm hoàn toàn có thể được nắm bắt và thành công nếu có cách tiếp cận mới để thúc đẩy sản xuất, trong đó chú ý đến khả năng kết nối của từng nền kinh tế, trong bối cảnh biến đổi của thương mại quốc tế và yêu cầu đặt ra bởi thị trường và khả năng tài chính. 
 
Thông qua buổi hội thảo, những thông điệp chính được đưa ra:
1) Sản xuất sẽ tiếp tục là một thành phần của chiến lược phát triển, mặc dù rất có thể sẽ không còn đem lại các lợi ích kép về tăng năng suất và tạo việc làm như trước.
2) Một số ngành công nghiệp sản xuất vẫn tiếp tục là điểm đầu vào khả thi đối với các nước đang trong quá trình chuyển đổi sang công nghiệp hóa, và là động lực tạo việc làm cho nhóm lao động không có kỹ năng.
3) Nhóm ngành dịch vụ ngày càng chiếm vị trí quan trọng đối với sự thành công của sản xuất và bản thân các dịch vụ cũng là nguồn lợi nhuận đáng kể và tạo việc làm.
4) Khẩn cấp phù hợp hơn là báo động.
5) Cần phải cân bằng trọng tâm vào những đột phá, và định vị sẵn sàng cho các cơ hội mới.

VNPI- Mai Thùy Linh