CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG CHÍNH - KPI
1. KPI là gì?
Để hiện thực chiến lược phát triển, doanh nghiệp sẽ phải xác định rõ các mục tiêu cần đạt được, đồng thời áp dụng phương pháp để theo dõi, phân tích xu hướng, khả năng đạt được mục tiêu đã đề ra. Chỉ số đánh giá hoạt động chính (Key Performance Indicator - KPI) là một công cụ giúp các doanh nghiệp theo dõi và giám sát việc đạt được các mục tiêu đã đề ra. KPI có thể là: tỷ lệ khuyết tật sản phẩm, tỷ lệ khách hàng nhận được trả lời đúng hạn, tỷ lệ khách hàng được thỏa mãn; phần trăm doanh thu do các khách hàng cũ mang lại; tỷ lệ các cuộc gọi của khách hàng được đáp ứng ngay phút đầu tiên…. Việc lựa chọn đúng KPI phụ thuộc vào việc hiểu được chính xác điều gì là quan trọng đối với doanh nghiệp để đảm bảo thiết lập các KPI phù hợp và nhất quán với định hướng phát triển và mục tiêu cải tiến trong từng giai đoạn phát triển của tổ chức/doanh nghiệp.
KPI là các chỉ số đo lường nhằm cung cấp cho lãnh đạo của tổ chức và các bên liên quan (cổ đông, bên đầu tư…) những thông tin quan trọng nhất về kết quả hoạt động của tổ chức, để đánh giá mức độ thành công tổng thể của tổ chức hoặc sự thành công đối với một hoạt động cụ thể do tổ chức thực hiện. KPIs phải liên kết chặt chẽ với các mục tiêu chiến lược của tổ chức và từ đó giúp tổ chức giám sát được việc thực thi chiến lược kinh doanh của mình.
2. Lợi ích của việc áp dụng:
· KPI giúp cho việc thiết lập và đạt được các mục tiêu chiến lược thông qua việc xây dựng các mục tiêu cụ thể ở các cấp. Việc thiết lập mục tiêu, thông báo mục tiêu, đưa ra các biện pháp và nỗ lực đạt được mục tiêu sẽ giúp các tổ chức không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh.
· Các nhà quản lý ở các cấp trong tổ chức có thể theo dõi các chỉ số hiệu quả chính để đánh giá xem các nhóm làm việc có đạt được các mục tiêu kinh doanh và hiệu quả tăng lên hay giảm sút. Có thể dùng để đánh giá hiệu quả giữa các nhóm khác nhau trong công ty hoặc với các đối thủ cạnh tranh khác.
· Đặc biệt, mỗi bộ phận trong công ty cũng thiết lập các KPI và từ đó hỗ trợ đạt được mục tiêu chung của công ty. Dữ liệu về mức độ hiệu quả của từng bộ phận có thể hình thành nên KPI của cả công ty và nó phản ánh hiệu quả tổng thể của tổ chức.
· Các tổ chức có thể áp dụng nhiều loại chỉ số KPI cho các lĩnh vực hoạt động khác nhau, tùy thuộc vào mục tiêu chiến lược của công ty. Có thể là các chỉ số liên quan đến hiệu quả tài chính, liên quan đến thị trường và cạnh tranh, liên quan đến quản lý nguồn nhân lực, chất lượng và môi trường ….
3. Đối tượng áp dụng:
· Các tổ chức, doanh nghiệp mong muốn có được phương pháp theo dõi và đo lường kết quả hoạt động kinh doanh và thiết lập các mục tiêu, chỉ tiêu để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh.