Trong những năm mới giành được độc lập, do sự khan hiếm về tài nguyên, Chính phủ Singapore đã đi đến quyết định phải tập trung vào nâng cao năng suất để phát triển kinh tế. Chiến lược này đã được đưa vào chương trình công nghiệp hóa với mục đích giảm tỷ lệ thất nghiệp lúc đó đang ở mức khá cao. Năm 1965, “hạt giống” đầu tiên của Phong trào năng suất đã được “gieo trồng”. Bản hiến chương về phát triển công nghiệp giữa Công đoàn Quốc gia và Liên đoàn giới chủ Singapore đã được ký kết cùng với việc thành lập Cơ quan Năng suất quốc gia để thúc đẩy năng suất tại Singapore.
Trong những năm 70, Cơ quan Năng suất quốc gia tập trung vào mục tiêu tạo ra một môi trường làm việc mang lại hiệu quả cao thông qua hài hòa mối quan hệ với lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động. Tại thời điểm này, mức độ tập trung vào công việc cũng như ý thức về chất lượng của người lao động rất thấp. Thay vì phát hiện và phòng ngừa các sai lỗi, khuyết tật như công nhân tại Nhật Bản thường làm, công nhân trong các doanh nghiệp của Singapore cho rằng trách nhiệm đó là của cán bộ kiểm tra chất lượng. Họ không quan tâm tới bất cứ gì xảy ra ngoài chức năng công việc của mình. Bên cạnh thái độ thiếu tích cực với công việc, người lao động còn thiếu kỹ năng và kiến thức cần thiết, mối quan hệ giữa người lao động và nhà quản lý cũng rất phức tạp, thiếu sự hợp tác chặt chẽ. Đây chính là những lý do làm cho năng suất quốc gia rất thấp.
Năm 1980, Chính phủ Singapore quyết định khởi xướng chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, nhằm thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tăng cường vốn, công nghệ và các hoạt động đem lại giá trị gia tăng cao. Năng suất được coi là chiến lược trọng yếu để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 8 đến 10%.
Cơ quan Năng suất Quốc gia đã đưa ra báo cáo và khuyến nghị Chính phủ cần khởi xướng phong trào năng suất để có thể giải quyết được những cản trở về tình trạng lao động và góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Mục đích của phong trào năng suất là tạo ra một môi trường thúc đẩy các hoạt động cải tiến năng suất ở cấp quốc gia, ngành, doanh nghiệp và hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao tiêu chuẩn sống cho tất cả mọi người. Năm 1981, Phong trào năng suất Singapore chính thức được phát động với mục đích tạo ra một môi trường thúc đẩy các hoạt động cải tiến năng suất ở cấp quốc gia, ngành và doanh nghiệp. Phong trào này do Hội đồng năng suất quốc gia điều hành với sự tham gia của ba bên: Chính phủ, Giới chủ và Công đoàn. Cơ quan Năng suất quốc gia là tổ chức triển khai thực hiện các khuyến nghị và đề xuất của Hội đồng năng suất quốc gia. Nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư, Singapore tập trung phát triển lực lượng lao động có kiến thức, kỹ năng và tay nghề cao hơn để có thể vận hành và duy trì được các hệ thống máy móc tự động. Nhà quản lý chính là người thực hiện việc giới thiệu, huấn luyện những hệ thống, kỹ thuật quản lý và phương pháp làm việc tiên tiến. Thái độ làm việc, mối quan hệ tích cực giữa người lao động - nhà quản lý và phương pháp làm việc theo nhóm đã trở thành yếu tố quan trọng trong cải tiến năng suất.
Chương trình năng suất quốc gia được xây dựng cho từng giai đoạn để có thể tập trung vào những khía cạnh cụ thể của quá trình cải tiến năng suất, bao gồm:
- Giai đoạn nhận thức (1981-1985): Mục đích là tạo nhận thức cho các doanh nghiệp và người lao động về năng suất thông qua các chiến dịch quảng bá về năng suất. Các chiến dịch năng suất với chủ đề cụ thể, ví dụ như làm việc theo tổ đội hay xây dựng ý thức làm việc tích cực đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các cấp cao nhất của Chính phủ, Giới chủ và Công đoàn.
- Giai đoạn hành động (1986-1988): Nhằm biến đổi từ nhận thức thành những hành động cụ thể thông qua các chương trình cải tiến năng suất tại nơi làm việc. Để giúp doanh nghiệp tiếp cận, áp dụng những giải pháp cải tiến năng suất, Cơ quan Năng suất quốc gia đã một mặt khuyến khích các công ty tư vấn về quản lý và cải tiến năng suất chất lượng phát triển, xây dựng đội ngũ chuyên gia, mặt khác hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tư vấn này. Cơ quan Năng suất quốc gia cũng trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến năng suất, xây dựng thành những mô hình điểm để các doanh nghiệp khác học tập. Hoạt động đào tạo cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, trong đó tập trung vào các khóa đào tạo tại chỗ nhằm trang bị cho lực lượng lao động những kiến thức, kỹ năng về nâng cao năng suất chất lượng. Rất nhiều các công ty danh tiếng của Singapore như Singapore Airlines, Philips, Seiko đã phát triển được chương trình đào tạo một cách toàn diện, thích hợp với từng đối tượng là nhà quản lý và người lao động.
- Giai đoạn tự chủ (1989-1990): Để duy trì được sự bền vững của phong trào thì cần thiết phải tạo ra được ý thức về năng suất và coi đó là một phần của trách nhiệm công việc. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp và cá nhân đã tham gia tích cực vào phong trào năng suất, bắt đầu giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức các chiến dịch năng suất. Chính mối quan hệ chặt chẽ với khối doanh nghiệp đã giúp cho quá trình đưa các hoạt động cũng như giải pháp mới đến được với từng ngành, từng doanh nghiệp và tới tận lực lượng lao động. Đến những năm 1990, thông qua phong trào năng suất quốc gia, cả giới chủ và người lao động đều nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của năng suất, cũng như sự cấp thiết cần thay đổi thái độ làm việc, nâng cao ý thức về chất lượng và làm việc theo tổ đội.
Trong những năm tiếp theo, với môi trường kinh tế thay đổi, quá trình toàn cầu hóa và cạnh tranh ngày càng quyết liệt, Phong trào năng suất Singapore cũng có những định hướng mới. Phát triển kinh tế không còn dựa trên lao động và nguồn vốn đầu tư như trước mà phải dựa trên cải tiến, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước, hay là thúc đẩy nâng cao năng suất yếu tố tổng hợp (TFP). Khi Singapore chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, môi trường mới này đã yêu cầu chuyển đổi từ sự phát triển dựa vào các yếu tố đầu vào sang sự phát triển dựa vào đổi mới, biến sự hạn chế về nguồn tài nguyên thành sự giàu có về tri thức. Năm 2002, Cơ quan Năng suất được đổi tên thành Cơ quan Tiêu chuẩn, Năng suất và Đổi mới (SPRING) để tập trung vào sự phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, Trung tâm Năng suất Singapore đóng vai trò là Cơ quan Năng suất Quốc gia và các chuyên gia cũng bắt đầu đặt ra câu hỏi liên quan đến chiến lược năng suất trong thời gian tới khi năng suất cũng như hoạt động năng suất của Singapore chững lại. Chặng đường phát triển phong trào năng suất tại Singapore cho thấy những tác động, yếu tố thành công và bài học kinh nghiệm như sau:
- Tập trung vào khía cạnh con người trong giai đoạn đầu đã tạo ra nền tảng vững chắc cho các hoạt động cải tiến trong tương lai. Chỉ số rõ ràng nhất đó là nhận thức của xã hội về năng suất, 90% lực lượng lao động có kiến thức về năng suất so với 40% trước đó. Số lượng công nhân tham gia Nhóm kiểm soát chất lượng ngày càng tăng, đồng nghĩa với chi phí lãng phí tiết kiệm được ngày càng nhiều. Ví dụ đến năm 2007, các công ty Singapore đã tiết kiệm được 80 triệu Đô la Singapore (SGD) nhờ sáng kiến/dự án cải tiến đã thực hiện của các Nhóm kiểm soát chất lượng. Kinh phí dành cho đào tạo của các công ty cũng tăng lên 3,6% so với 1,8% trước đó. Quan trọng hơn, GDP trên đầu người tăng từ khoảng 8,800 USD (năm 1981) lên tới 41,000 USD (2009) và đến nay là 50.000 USD. Tiêu chuẩn sống được tăng lên, 92% dân số có nhà ở riêng và tuổi thọ trung bình là 77.
- Việc đã lôi kéo được sự quan tâm, hợp tác của 3 bên bao gồm Chính phủ - Giới chủ - Công đoàn cũng góp phần giữ cho phong trào năng suất được duy trì và phát triển liên tục. Hội đồng năng suất quốc gia giữ vai trò chủ đạo trong việc đưa ra chiến lược và điều phối hoạt động của các bên liên quan, chủ doanh nghiệp đóng góp các nguồn lực để thực hiện chương trình cải tiến năng suất ngành và quốc gia.
- Yếu tố quan trọng khác đóng góp vào sự thành công đó là sự chấp nhận theo chiến lược mô hình tốt nhất. Trong giai đoạn khởi đầu, phong trào đã nghiên cứu học hỏi từ mô hình thành công khác như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…, và ứng dụng mô hình đó vào thực tế của mình.
Cho tới nay, Phong trào năng suất Singapore vẫn tiếp tục được duy trì, phát triển và đổi mới liên tục nhờ sự cam kết, hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ. Phong trào năng suất đã và đang hướng vào một chiến lược lâu dài là hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Nhờ xây dựng được các chiến lược thúc đẩy năng suất chất lượng thích hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế, Chính phủ đã đồng hành cùng các doanh nghiệp Singapore vượt qua những cuộc khủng hoảng kinh tế để giữ được sự tăng trưởng kinh tế.
Viện Năng suất Việt Nam