Một trong những yếu tố mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đó chính là năng suất, doanh nghiệp có năng suất cao, hoạt động hiệu quả đồng nghĩa với việc tranh thủ và tận dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển. Tuy nhiên để thực sự cải tiến được năng suất, nâng cao năng suất cũng như đưa năng suất thực sự trở thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp thì cần đòi hỏi một lộ trình, chiến lược hết sức lâu dài từ phía doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để nâng cao năng suất của doanh nghiệp còn cần có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, các cơ quan quản lý mà trực tiếp nhất chính là sự tham gia của các đơn vị, tổ chức như Viện Năng suất Việt Nam. Để nhằm hỗ trợ tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp sản xuất ngành công nghiệp, năm 2020 Viện Năng suất Việt Nam đã triển khai thực hiện dự án hỗ trợ thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp Công ty CP Công nghiệp Đại Á là một trong 15 doanh nghiệp được Viện lựa chọn triển khai áp dụng thí điểm chương trình và đã thực hiện thành công các yêu cầu và mục tiêu của nhiệm vụ đề ra, đem lại hiệu quả rõ rệt trên nhiều mặt
Công ty CP Công nghiệp Đại Á có trụ sở tại Tầng 16, tòa nhà Nam Cường, Km số 4, đường Tố Hữu, P. La Khê, Q. Hà Đông. TP Hà Nội, xưởng sản xuất của công ty tại Khu Công nghiệp Lương Sơn, Quốc lộ 6, Xã Hòa Sơn, Huyện Lương Sơn, Tỉnh Hòa Bình. Công ty CP Công nghiệp Đại Á là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hạt nhựa, hạt nhựa màu, hạt filtler.
Lãnh đạo công ty CP Công nghiệp Đại Á đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc thực hiện các hoạt động cải tiến theo hướng dẫn của các chuyên gia đến từ Viện Năng suất, mặt khác quyết liệt chỉ đạo các phòng, phân xưởng, bộ phận và đặc biệt là đội cải tiến Kaizen thực hiện tích cực các dự án cải tiến. Dự án hỗ trợ thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen triển khai trong vòng 06 tháng tại công ty đã thực hiện thành công và đạt được mục tiêu đề ra ban đầu, những kết quả từ dự án đã được lãnh đạo doanh nghiệp cũng như người lao động hết sức ghi nhận.
Quá trình triển khai thực hiện dự án
Sau khi doanh nghiệp được lựa chọn, nhóm thực hiện dự án liên hệ với doanh nghiệp và thực hiện việc khảo sát hiện trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mục đích của việc khảo sát nhằm hiểu rõ những vấn đề doanh nghiệp đang phải đối mặt trong quá trình quản lý sản xuất kinh doanh, cam kết của Lãnh đạo doanh nghiệp cũng như khả năng của doanh nghiệp để thực hành cải tiến liên tục Kaizen…
Hình ảnh khảo sát thực trạng và đào tạo tại doanh nghiệp
Để đảm bảo các hoạt động cải tiến được tập hợp vào một đầu mối có tổ chức và cơ cấu rõ ràng, đội cải tiến Kaizen công ty CP Công nghiệp Đại Á được thành lập. Để hoạt động cải tiến được duy trì và hoạt động lâu dài, doanh nghiệp cần tổ chức hoạt động cải tiến một cách bài bản, có cơ cấu nhân sự ổn định. Đội cải tiến bao gồm Đội trưởng, thư ký và các thành viên. Đội cải tiến được sự bảo trợ của Lãnh đạo doanh nghiệp trong quá trình thực hành cải tiến liên tục.
Để có kiến thức lý thuyết nền tảng cho đội cải tiến và lãnh đạo doanh nghiệp, nhóm chuyên gia đã tiến hành đào tạo cho Lãnh đạo công ty và thành viên đội cải tiến về khái niệm, cách tiếp cận và các phương pháp cải tiến liên tục hiện trường sản xuất. Ngoài ra các công cụ cải tiến liên tục cũng được đào tạo dựa trên tình huống thực tế và những vấn đề cần cải tiến của công ty. Qua các khóa đào tạo, nhận thức của thành viên đội cải tiến được nâng lên đáng kể. Đã không còn sự e ngại khi đề xuất những ý tưởng cải tiến, tinh thần cải tiến của mỗi cá nhân đã được khơi dậy. Hoạt động làm việc nhóm cũng được hiệu quả hơn. Đây chính là bước quan trọng nhất trong quá trình thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen.
Một trong những cách làm hiệu quả của Kaizen là thực hành cải tiến trên cơ sở lựa chọn một khu vực/ dây chuyền điểm để triển khai. Khi có kết quả khả thi, phương pháp cải tiến sẽ được chuẩn hóa và nhân rộng. Nhóm thực hiện đã thống nhất lãnh đạo lựa chọn 01 khu vực và một số đề tài điểm để thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen.
Sau khi đã thống nhất khu vực điểm, nhóm thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn các thành viên đội cải tiến phương pháp nhận diện lãng phí tại hiện trường sản xuất dựa trên 07 lãng phí cơ bản của Kaizen. Các thành viên đội cải tiến thực hành quan sát, trao đổi với công nhân tại xưởng sản xuất để phát hiện ra những vấn đề cần được cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo ra sự thuận tiện cho công nhân trong quá trình thực hiện.
Khi vấn đề đã được xác định, các thành viên đội cải tiến được hướng dẫn làm việc nhóm, thu thập thông tin, số liệu và trao đổi, thảo luận về từng vấn đề, lãng phí đã được nhận diện. Kết quả là nhóm đã xác định và lựa chọn 05 đề tài cải tiến ưu tiên được thực hiện trước và thống nhất giải pháp cho từng đề tài cải tiến.
Trên cơ sở các vấn đề và các giải pháp đã được lựa chọn, đội trưởng đội cải tiến phân công các thành viên chuẩn bị để trình bày trước lãnh đạo doanh nghiệp. Qua đó lãnh đạo thể hiện sự cam kết bảo trợ về vật chất cũng như tinh thần đối với hoạt động cải tiến liên tục Kaizen tại doanh nghiệp. Sau khi kết thúc buổi trình bày, đội cải tiến lên kế hoạch và triển khai thực hiện các giải pháp đã thống nhất và phê duyệt cho đến khi đạt được kết quả cụ thể.
Khi mỗi thành viên đội cải tiến hoàn thành việc thực hiện các giải pháp, kết quả sẽ được ghi nhận bằng hình ảnh và được đo lường bằng các thông số kỹ thuật khác. Thư ký đội cải tiến tổng hợp các kết quả cụ thể bằng hình ảnh và các số liệu. Nếu kết quả đáp ứng mục tiêu đề ra, thành viên đội sẽ được yêu cầu chuẩn hóa thành các phương pháp cụ thể để có thể triển khai nhân rộng sang các khu vực khác.
Nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp thực hành phương pháp cải tiến liên tục kết thúc tại doanh nghiệp bằng cuộc họp tổng kết. Trong cuộc họp, đại diện đội cải tiến trình bày kết quả thực hành cải tiến liên tục đối với những vấn đề, đề tài Kaizen đã được duyệt theo kế hoạch. Lãnh đạo công ty ghi nhận kết quả thực hành của đội cải tiến và có những khen thưởng, khuyến khích phù hợp để đội cải tiến tiếp tục hoạt động trong thời gian tiếp theo.
Hình ảnh trước và sau cải tiến tại bộ phận cân của công ty CP Công nghiệp Đại Á
Dự án đã đạt được một số kết quả cụ thể như sau :
Hoạt động cải tiến đã được người lao động hưởng ứng và tích cực thực hiện, tiết kiệm và tận dụng được nguồn lực của doanh nghiệp trong các hoạt động cải tiến
Xây dựng tiêu chuẩn, mô tả công việc cho những công đoạn, bộ phận quan trọng, đồng thời thiết lập cơ chế hoạt động của từng công đoạn và bộ phận này, xác định các công đoạn trọng yếu liên quan đến năng suất, chất lượng trước khi tiến hành sản xuất để nếu có phát sinh những vấn đề ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng thì đã có phương án khắc phục nhằm giảm thời gian chết trong quá trình sản xuất.
Người công nhân chủ động đưa ra các ý tưởng, cải tiến; mạnh dạn triển khai các ý tưởng cải tiến. Nhận thức, hiểu biết của người lao động và cán bộ quản lý về phương pháp cải tiến liên tục Kaizen được nâng cao, cán bộ công nhân viên đã hiểu được tầm quan trọng của Kaizen và ứng dụng trong công việc hàng ngày.
Các sáng kiến cải tiến được phát huy và áp dụng tại nhiều bộ phận, góp phần cải thiện năng suất lao động của công ty. Cán bộ quản lý đã biết nhận diện các vấn đề và thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi để nhận diện và làm rõ các vấn đề lãng phí để đề xuất ý tưởng cải tiến. Mặt bằng sản xuất được mở rộng, rút ngắn thời gian sản xuất, giảm thiểu quãng đường di chuyển, thao tác của người công nhân, tiết kiệm thời gian vận chuyển và nhân lực hỗ trợ vận chuyển thành phẩm và bán thành phẩm.
Những thuận lợi, khó khăn và bài học kinh nghiệm
Về thuận lợi:
Sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa lãnh đạo doanh nghiệp, đội cải tiến Kaizen và nhóm chuyên gia tư vấn, sự cam kết mạnh mẽ từ phía lãnh đạo, các hoạt động cải tiến luôn được tạo điều kiện tốt nhất
Đội ngũ chuyên gia tư vấn làm việc tận tâm, có trình độ chuyên môn cao, có bề dày kinh nghiệm và hiểu biết thực tiễn phong phú đã có những tư vấn chất lượng, xác đáng.
Đội ngũ nhân sự ở các bộ phận hăng say làm việc, có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, tích cực thực hiện các dự án cải tiến
Những khó khăn:
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covit 19 nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất do phải dãn cách xã hội, số lượng đơn hàng giảm, nguyên vật liệu thiếu do không nhập khẩu được.
Những biến động nhất định về nhân sự gây thiếu hụt lao động có tay nghề cao ở một số bộ phận, đơn vị, thói quen làm việc theo kinh nghiệm của một bộ phận công nhân chưa dễ dàng thay đổi được
Bài học kinh nghiệm:
Quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định đến thành công của dự án
Cán bộ chủ chốt phải quản trị tốt sự thay đổi như thay đổi cách làm, tuân thủ duy trì và làm đúng chức năng cùng với bản mô tả công việc hàng ngày.
Tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cho đội ngũ nhân sự tại doanh nghiệp về các phương pháp, công cụ cải tiến năng suất
Cần có sự trao đổi thường xuyên hơn giữa các bộ phận về chuyên môn để khắc phục điểm còn hạn chế của từng bộ phận nhằm nâng cao năng suất và chất lượng. Doanh nghiệp cần đưa đổi mới sáng tạo và cải tiến năng suất trở thành một nét văn hóa được phổ biến rộng rãi trong toàn doanh nghiệp.